|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện Elon Musk nhiễm COVID-19: Thực hư ra sao?

20:11 | 16/11/2020
Chia sẻ
Chia sẻ trên Twitter cá nhân ngày 13/11, CEO Tesla Elon Musk cho biết đã xét nghiệm COVID-19 tới 4 lần, trong đó có hai kết quả dương tính.
Tỉ phú Elon Musk có khả năng nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

CEO Tesla Elon Musk. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, CEO Tesla Elon Musk cho biết ông rất có thể đang mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ. 

Đăng tải trên Twitter cá nhân, ông Musk viết: "Tôi nhận được kết quả cực kì khác nhau từ các phòng thí nghiệm nhưng rất có thể tôi đang mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ. Các triệu chứng của tôi bao gồm cảm lạnh nhẹ, điều này không có gì ngạc nhiên vì SARS-CoV-2 là một loại virus gây cảm lạnh".

Ông Musk không hề nhắc đến việc đây có phải là xét nghiệm PCR hay không nhưng ở dưới phần bình luận, ông miêu tả rằng bản thân gặp các trạng thái "lên - xuống", tương tự như triệu chứng cảm lạnh thông thường nhưng cơ thể đau nhức và đau đầu hơn là ho, hắt hơi.

Trước đó hôm 13/11, ông Musk cho biết đã nhận được 4 kết quả khác nhau từ xét nghiệm COVID-19 trong cùng một ngày và cùng một thiết bị đo, trong đó hai lần cho kết quả dương tính và hai lần âm tính.

Theo tờ báo East Bay Times, Elon Musk đề cập việc ông "đã thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh từ BD", rất có khả năng đây là loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh của công ty Becton Dickinson, với kết quả xét nghiệm trả về chỉ sau 15 phút.

Trên Twitter, ông Musk cũng cho biết đang đợi kết quả xét nghiệm PCR, loại xét nghiệm tiêu chuẩn để nhận biết COVID-19, từ các phòng thí nghiệm riêng biệt. "Kết quả sẽ có trong khoảng 24 giờ", vị tỉ phú chia sẻ.

Tỉ phú Elon Musk có khả năng nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Elon Musk đăng dòng Tweet hôm 13/11. (Ảnh: CNBC)

Kết quả xét nghiệm dương tính của ông Elon Musk được Cục quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) mô tả là "có độ chính xác cao". Nhưng kết quả âm tính giả cũng có thể xảy ra, nghĩa là âm tính không nhất thiết loại trừ thử nghiệm dương tính, tờ Business Insider đưa tin.

Vào tháng 7, ông Musk đã viết rằng các lỗi thử nghiệm COVID-19 là nguyên nhân có thể gây ra sự gia tăng số ca bệnh vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nhà virus học Angela Rasmussen đã coi đó là "thông tin sai lệch nguy hiểm".

Tường Vy