|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyện doanh nghiệp không cần Nhà nước can thiệp

07:29 | 26/12/2016
Chia sẻ
Nghị định 160/2016 về điều kiện kinh doanh vận tải biển vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp và khi áp dụng vào thực tế doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.
chuyen doanh nghiep khong can nha nuoc can thiep
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng. Ảnh: HUỲNH CÔNG BÁ.

Đại lý tàu biển phải có người chuyên trách về pháp chế

Từ ngày 1-7-2017, Nghị định 160/2016 về điều kiện kinh doanh vận tải biển sẽ có hiệu lực. Khi ấy, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển sẽ phải thực hiện nhiều điều kiện được cho là khắt khe hơn trước đây.

Đáng chú ý nhất, Nghị định 160 bắt buộc doanh nghiệp vận tải biển phải có bộ phận quản lý an toàn; bộ phận quản lý an ninh hàng hải; bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển; bộ phận thực hiện công tác pháp chế. Còn đối với đại lý tàu biển, phải có người phụ trách chuyên về quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển và có người phụ trách chuyên về pháp chế.

Nghị định này cũng quy định người phụ trách hệ thống quản lý an toàn, an ninh hàng hải phải được đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế. Riêng người phụ trách bộ phận pháp chế phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành luật.

Đối với doanh nghiệp vận tải biển quốc tế, phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên, mức bảo lãnh tối thiểu là 5 tỉ đồng (vận tải nội địa mức bảo lãnh tối thiểu là 500 triệu đồng). Doanh nghiệp phải có tối thiểu một tàu biển, nếu tàu biển mang quốc tịch Việt Nam phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành.

Doanh nghiệp trong nước được thành lập liên doanh với nước ngoài, trong đó tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Nhiều quy định chưa hợp lý

Giới doanh nghiệp vận tải biển cho biết nhiều quy định của Nghị định 160 chưa phù hợp và không cần thiết Nhà nước phải can thiệp quá sâu vào việc của doanh nghiệp.

Trao đổi với TBKTSG, ông Đỗ Văn Trường, Phó phòng kinh doanh của một công ty vận tải quốc tế ở TPHCM, cho biết khi đọc nghị định, ông thấy phần bất cập nhất là quy định về điều kiện nhân sự ở doanh nghiệp. Ông cho rằng, quy định người phụ trách hệ thống quản lý an toàn, an ninh hàng hải phải được đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ GTVT là việc làm gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp khi phải cử nhân viên đi học để được cấp chứng chỉ.

Một bất cập khác, theo ông Trường, là quy định nhân sự của doanh nghiệp phải tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên. Khi Nhà nước ban hành quy định về nhân sự là đã can thiệp quá sâu vào chuyện của doanh nghiệp. “Việc tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp trình độ nào còn tùy vào tình hình thực tế ở doanh nghiệp. Nếu tuyển người không đúng chuyên môn, không làm được việc thì thiệt hại trước tiên thuộc về doanh nghiệp. Hiện nay nhiều người tốt nghiệp cao đẳng, đại học đúng chuyên môn khi ra thực tế cũng không làm được việc”, ông nói.

Đối với kinh doanh vận tải nội địa, một số doanh nghiệp cho rằng hiện nay Bộ GTVT đang hạn chế việc cấp phép cho tàu nước ngoài vận tải nội địa để dành thị phần cho đội tàu trong nước. Tuy nhiên, theo Nghị định 160, nếu doanh nghiệp nước ngoài muốn vận tải nội địa thì họ chỉ cần liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam và chỉ cần có một tàu mang quốc tịch Việt Nam, còn lại là tàu mang quốc tịch nước ngoài. Khi đó, sẽ lại xảy ra tình trạng tàu nước ngoài giành hết thị phần vận tải nội địa và đội tàu trong nước “nằm bờ” dài ngày như đã từng xảy ra trước đây. Quy định như vậy là không phù hợp và mâu thuẫn với chủ trương hiện nay của bộ này.

Ông Nguyễn Quang Duy, một nhân viên đang làm việc cho một đại lý tàu biển ở TPHCM nói: với quy mô của một đại lý tàu biển mà bắt phải có người phụ trách riêng từng lĩnh vực là không hợp lý và sẽ phát sinh nhiều nhân sự cho đại lý.

Hơn nữa, trong kinh doanh, quan trọng là ở hiệu quả mang lại chứ không phụ thuộc vào bằng cấp, ở cấp đại lý mà quy định phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên là không cần thiết. “Ở đây là doanh nghiệp làm ăn chứ không phải cơ quan nhà nước tuyển dụng nên không cần quy định bắt buộc bằng cấp như vậy”, nhân viên này nói.

Lê Anh