'Chuyến công tác của Thủ tướng mở ra làn sóng đầu tư mới Việt - Nhật'
"Điều lớn nhất cảm nhận được qua chuyến thăm là bầu không khí chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất và hiệu quả trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chiều 19/12 trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và các hoạt động song phương ngày 15-18/12 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chuyến công tác diễn ra hai tuần sau khi Việt - Nhật nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Khi hội đàm và gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và lãnh đạo các giới Nhật Bản đều khẳng định hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ.
Nhật Bản nhất trí mở rộng hợp tác bảo đảm an ninh kinh tế, chú trọng thúc đẩy tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng của nước này và toàn cầu trong các lĩnh vực sản xuất ôtô, điện tử, thiết bị y tế, dệt may.Việt Nam cũng là điểm thu hút đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản trong các lĩnh vực mới nổi, như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Hơn 30 văn kiện hợp tác, trị giá gần 3 tỷ USD được các bộ, ngành, doanh nghiệp hai trước trao đổi, ký kết tại Diễn đàn Kinh tế Việt - Nhật ở Tokyo. Hơn một nửa trong số này thuộc các lĩnh vực hợp tác mới, như xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, logistics, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot.
"Đây có thể là bước khởi đầu cho một làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào các lĩnh vực mới tại Việt Nam trong tương lai gần", Thứ trưởng Việt nhận xét.
Nỗ lực làm sôi động hơn hợp tác ODA của hai nước cũng đạt kết quả thực chất khi hai Thủ tướng chứng kiến trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá hơn 200 triệu USD. Các cam kết cho vay này đưa tổng giá trị hợp tác ODA giữa hai nước năm 2023 đạt hơn 100 tỷ yen (gần 800 triệu USD), cao nhất kể từ năm 2017.
Thúc đẩy liên kết nguồn nhân lực, tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương cũng là thành công của chuyến công tác. Chính phủ Việt Nam đã lần đầu tiên chủ trì, tổ chức Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp hai phía và gần 200 người lao động Việt Nam.
Thủ tướng đã thăm tỉnh Gunma, quê hương của 4 Thủ tướng Nhật Bản trước đây. Ông cũng tiếp Thống đốc 5 tỉnh của Nhật Bản, qua đó thúc đẩy, khuyến khích các địa phương hai nước tăng hợp tác đầu tư, thương mại, lao động. Đây là tiền đề để Nhật thiết lập các cơ sở sản xuất hay các trung tâm nghiên cứu mới tại các địa phương của Việt Nam.
"Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính làm sâu sắc hơn nữa tin cậy chính trị, củng cố quan hệ cá nhân tốt đẹp với lãnh đạo chính giới Nhật Bản, và là bước triển khai đầu tiên cụ thể hóa khuôn khổ hợp tác Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được hai nước ký kết vào tháng 11", Thứ trưởng Ngoại giao đánh giá.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng điểm lại những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 phương hướng lớn cho mối quan hệ, trong đó có tăng cường hợp tác chiến lược, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ, với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Nhật Bản cần tích cực hỗ trợ các nước tiểu vùng Mekong ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, sớm khởi động lại cơ chế hợp tác Mekong và ưu tiên thúc đẩy các dự án hỗ trợ phát triển bền vững trên tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Lãnh đạo Việt Nam cho rằng cần đầu tư cho nhân tố con người, hoan nghênh các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân và đề nghị cần cụ thể hóa thành các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 4 kết nối, gồm tăng cường kết nối về kinh tế - thương mại, đầu tư; đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng; mở rộng kết nối trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và nông nghiệp thông minh...; ưu tiên kết nối thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản về "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" (AZEC). Thủ tướng đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự quyết tâm và hành động quyết liệt của Việt Nam trong thực hiện các cam kết đề ra, trong đó có chủ động tăng cường hợp tác nhằm đạt được cả ba mục tiêu là giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế tại châu Á.
"Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị ASEAN - Nhật Bản, cả trong quá trình chuẩn bị, xây dựng chương trình nghị sự, cũng như trong phát biểu thảo luận tại hội nghị", Thứ trưởng nhấn mạnh.