|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chụp ảnh chủ thuê bao mới, thuê bao cũ bổ sung sau

10:30 | 20/06/2017
Chia sẻ
Hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone đã triển khai hoạt động chụp ảnh xác thực chủ thuê bao khi đăng ký dịch vụ di động từ đầu tháng 6. Theo đó, khách hàng mới đăng ký dịch vụ sau ngày 24-4 sẽ phải chụp ảnh để xác thực chủ thuê bao, còn với khách hàng cũ các nhà mạng cần thời gian để triển khai quy định này và yêu cầu họ bổ sung ảnh.
chup anh chu thue bao moi thue bao cu bo sung sau
Một điểm giao dịch, đăng ký thông tin thuê bao của Tổng công ty dịch vụ viễn thông VinaPhone. Ảnh: VNPT

Điều kiện mới cho đăng ký dịch vụ

Từ cuối tháng 4-2017, theo Nghị định 49/2017/NĐ-CPN thì các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ phải chụp ảnh người tới đăng ký dịch vụ di động trả trước, trả sau. Hiện tại, một số nhà mạng đã triển khai cách thức nhận diện này cho một số điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có đủ điều kiện (thiết bị chụp ảnh làm hồ sơ đăng ký dịch vụ).

Điều này khác với trước đây khi khách hàng chỉ cần xuất trình giấy chứng minh dân dân (CMND) để đăng ký dịch vụ di động. Quy định mới đòi hỏi người tiêu dùng phải đến đăng ký trực tiếp, đồng ý chụp ảnh, quét ảnh CMND…

Kể từ ngày 24-4, các nhà mạng phải tăng thêm điều kiện đăng ký dịch vụ nhằm đảm bảo xác nhận đúng chủ thuê bao tới điểm giao dịch đăng ký, hoạt động kích hoạt dịch vụ chỉ thực hiện ở các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trực thuộc nhà mạng hoặc được nhà mạng ủy quyền (đối tác)…

Theo Nghị định 49, từ ngày 24-4 sẽ không hạn chế số lượng SIM trả trước đối với mỗi cá nhân, tổ chức được sử dụng. Tuy nhiên, với 3 số thuê bao đầu tiên, cá nhân chỉ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao, kể từ số thuê bao thứ 4 trở lên, cá nhân sẽ cần ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông theo quy định.

Theo phần giải đáp, cung cấp thông tin về Nghị định 49 trên website của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thì Nghị định 49 yêu cầu bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Ảnh chụp người đến giao dịch trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện. Điều này sẽ tránh được tình trạng các điểm đăng ký dịch vụ cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các thuê bao khác đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh nghị định đã lược bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao (không còn quy định 3 SIM/nhà mạng/thuê bao).

Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh tới yếu tố nhận diện chủ thuê bao, xác thực đúng người sử dụng dịch vụ… thông qua hình ảnh chụp người đến đăng ký trực tiếp tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Sẽ có những cá nhân bị các điểm đăng ký thông tin thuê bao sử dụng CMND cho lần đăng ký khác mà họ không hề hay biết.

Tạm thời chỉ áp dụng với chủ thuê bao mới

Hiện tại, theo ghi nhận đã có hai nhà mạng là VinaPhone và MobiFone đã triển khai hoạt động chụp ảnh khi đăng ký thông tin thuê bao. Còn các điểm giao dịch Viettel hiện vẫn đang áp dụng cách thức xác thực chủ thuê bao bằng CMND giống như trước đây.

Tuy nhiên, các nhà mạng chỉ đang áp dụng quy định mới đối với thuê bao mới, chưa triển khai cho nhóm thuê bao cũ, vốn đã đăng ký thông tin theo hình thức CMND. Các nhà mạng còn phải rà soát dữ liệu, thông tin khách hàng… trong vòng 12 tháng để bổ sung dữ liệu thuê bao, đảm bảo theo các quy định của Nghị định 49.

Theo Nghị định 49, việc áp dụng cách thức chụp ảnh trực tiếp người đến đăng ký dịch vụ sẽ áp dụng ngay kể từ ngày nghị định có hiệu lực (24-4-2017). Các thuê bao mới kích hoạt dịch vụ từ ngày này sẽ phải thực hiện theo quy định mới. Đối với các thuê bao kích hoạt dịch vụ trước thời điểm 24-4 thì nhà mạng sẽ có 12 tháng (tới 24-4-2018) để bổ sung ảnh chụp, thông báo cho khách hàng tới chụp ảnh bổ sung vào hợp đồng, hoặc đưa các đội đăng ký thông tin lưu động xuống tận nơi chụp ảnh, lấy thông tin…

Đại diện VinaPhone cho biết, đã tiến hành triển khai hoạt động quét ảnh (scan) CMND, chụp ảnh người tới đăng ký dịch vụ viễn thông… tại một số điểm giao dịch. MobiFone cũng đang bắt đầu thực hiện quy trình đăng ký thông tin thuê bao cho khách hàng mới theo Nghị định 49 (chụp ảnh người trực tiếp tới giao dịch, số hóa giấy tờ…). Còn nhà mạng Viettel đang triển khai kế hoạch, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị... để áp dụng các quy định đăng ký thông tin thuê bao theo Nghị định 49 từ tháng sau.

Ý kiến khách hàng về quy định mới

Nói về quy định chụp ảnh, ông Lê Quang, một thuê bao MobiFone lâu năm cho rằng ông đã sử dụng dịch vụ di động đã nhiều năm, đăng ký thuê bao trả sau nên thấy quy định này chưa hợp lý. Bởi vì các thuê bao trả sau đã phải đăng ký đầy đủ thông tin, có xác thực bởi CMND hoặc hộ chiếu… tại sao phải có thêm việc chụp ảnh xác thực.

Còn bà Huỳnh Mai, một nhân viên văn phòng thì cho rằng, việc chụp ảnh đối với thuê bao cũ khá phiền hà, bản thân CMND đã có hình ảnh, tại sao lại phải chụp ảnh cho mất thời gian của khách hàng. Bà cho rằng, nhà mạng có thể tổ chức các điểm chụp ảnh thích hợp hoặc yêu cầu khách hàng gửi hình ảnh bổ sung qua email.

Nhà mạng làm gì trước khi cắt thuê bao?

Theo Nghị định 49, đối với các thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, các nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định.

Trong trường hợp các thuê bao (cá nhân, tổ chức) không thực hiện theo yêu cầu (chụp ảnh, đăng ký lại thông tin, bổ sung hình ảnh…), nhà mạng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo; đồng thời gửi thông báo cho khách hàng về việc họ sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Nếu khách hàng vẫn không làm theo quy định mới về đăng ký thông tin thuê bao, nhà mạng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều; đồng thời thông báo khách hàng sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Cuối cùng, nhà mạng sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu thuê bao di động vẫn không thực hiện theo yêu cầu.

Theo Nghị định 49, các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thông tin thuê bao di động không chính xác. Mức phạt cao nhất dành cho các nhà mạng lên tới 200 triệu đồng; tuy nhiên, trên thực tế các nhà mạng có thể mất hàng chục cho tới hàng trăm tỉ đồng. Đây cũng là một trong số các "động lực" thúc đẩy các nhà mạng nhanh chóng triển khai kế hoạch đăng ký, lưu giữ thông tin thuê bao di động...

Số tiền phạt sẽ tăng lên gấp nhiều lần bởi ngoài các khoản phạt nêu trên, doanh nghiệp viễn thông còn bị buộc phải nộp phạt để khắc phục hậu quả. Theo khoản 12 điều 20, doanh nghiệp viễn thông sẽ phải nộp lại tổng số tiền tương đương tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của SIM vi phạm (đối với các thuê bao bắt đầu được cung cấp dịch vụ từ sau ngày 24-4, thời điểm Nghị định 49 có hiệu lực) và số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của các SIM vi phạm từ ngày 24-4-2018 (đối với các thuê bao hoạt động trước thời điểm Nghị định 49 có hiệu lực).

Trong trường hợp không thể xác định chính xác, số tiền phải nộp sẽ được áp dụng theo công thức “số tiền phạt = 100.000 đồng x số tháng vi phạm (của mỗi SIM). Nếu giả sử, các nhà mạng nạp vào mỗi SIM vi phạm trung bình 100.000 đồng/SIM; sau đó cứ tính trên tổng số hơn 121 triệu thuê bao di động thì chỉ cần 1% thuê bao thông tin không chính xác, các nhà mạng sẽ phải nộp lại số tiền ước tính hơn 121 tỉ đồng.

Ngày 24-4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6-4-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Nghị định 49 đưa ra nhiều điểm sửa đổi, bổ sung về việc đăng ký, lưu giữ thông tin thuê bao di động nhằm hình thành một cơ sở dữ liệu chính xác, chi tiết về thuê bao, phục vụ việc đảm bảo an ninh quốc gia, giảm thiểu tình trạng tin rác, các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo…

Chí Thịnh