Chuỗi trà sữa ‘quốc dân’ Thái Lan mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội
Cuối tuần trước, thương hiệu trà sữa nổi tiếng Thái Lan ChaTraMue khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Đây là cửa hàng thứ hai của ChaTraMue tại Việt Nam, sau khi đổ bộ TP HCM hồi tháng 6 năm ngoái.
ChaTraMue thường được ví là thương hiệu “trà sữa quốc dân” Thái Lan hay “món nhất định phải thử” khi du lịch đất nước chùa tháp. ChaTraMue được thành lập năm 1945 bởi ông Tan Passakornnatee.
Thương hiệu này cung cấp nhiều loại trà đặc biệt trà sữa, trà xanh, trà đen, trà hoa quả và các loại trà thảo dược. Từ một cửa hàng nhỏ bán trà và cà phê ở khu vực Chinatown của Bangkok, ChaTraMue đã phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh trà trên toàn Thái Lan.
Hiện ChaTraMue có 105 cửa hàng tại Thái Lan, đa phần hiện diện tại các ga tàu, trung tâm thương mại, đường phố.
Đồng thời ChaTraMue mở rộng sang các thị trường trong khu vực như Trung Quốc, Hong Kong, Hàn quốc, Singapore, Malaysia,... với khoảng 43 cửa hàng.
Tại Hà Nội, cửa hàng đầu tiên của ChaTraMue thu hút nhiều người trẻ đến trải nghiệm trong những ngày đầu mở bán. Đồ uống trà sữa có giá từ 40.000 đồng tới 50.000 đồng/ly, cao nhất lên tới 70.000 đồng/ly.
Theo giới thiệu, đồ uống của ChaTraMue thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi vì nguyên liệu từ tự nhiên và mùi hương thơm, công thức pha chế tạo nhiều đồ uống độc đáo. Phía cửa hàng cam kết 100% các loại trà đều được pha bằng tay. Đây cũng là điểm khác biệt của ChaTraMue.
Năm 2020, thị trường Việt Nam cũng chứng kiến chuỗi đồ uống lớn nhất Thái Lan Café Amazon gia nhập với cửa hàng đầu tiên tại siêu thị GO! Bến Tre.
Đến nay, Café Amazon đã mở rộng 23 cửa hàng ở khu vực TP HCM. Chuỗi cà phê có quy mô lớn nhất Đông Nam Á chọn bước tiến chậm chắc, tiến hành thăm dò thị trường và không vội vàng mở rộng quy mô tại Việt Nam.
Bên cạnh đồ uống Thái, đầu năm ngoái, %Arabica - chuỗi cà phê nổi tiếng Nhật Bản, bước vào Việt Nam sau hai năm nghiên cứu, thăm dò. Cửa hàng đầu tiên của chuỗi này đặt tại Chung cư cà phê 42 Nguyễn Huệ tại TP HCM.
%Arabica có kế hoạch khai trương cửa hàng thứ hai ở Việt Nam tại trung tâm mua sắm Diamond Plaza (Quận 1, TP HCM). Ngoài ra, chuỗi cà phê Nhật Bản cũng đang tìm kiếm khả năng mở rộng tại Hà Nội, Hội An và Phú Quốc.
Có thể thấy các thương hiệu ngoại nhìn ra tiềm năng của thị trường đồ uống Việt khi theo Euromonitor, ngành F&B có quy mô doanh thu lên tới 1,3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, các chuỗi đồ uống ngoại lại tỏ ra khá chật vật sau khi thâm nhập thị trường.
Theo Euromonitor, tỷ lệ thâm nhập của thương hiệu F&B ngoại ở Việt Nam chỉ đạt mức 5% do văn hoá ăn uống của người Việt đa phần ưa thích các cửa hàng nhỏ lẻ, ven đường. Chi tiêu cho thức uống phục vụ tại cửa hàng lớn, mặt bằng rộng và chi phí cao vẫn còn ở mức khá thấp so với những nước Đông Á khác.
Còn theo Momentum Works, chỉ số Frappuccino của Hà Nội đang ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á với 233 điểm. Frappuccino là thước đo phản ánh sự hiện diện của thương hiệu Starbucks tại một số thành phố trên thế giới, từ đó cung cấp hiểu biết về mức chi phí sinh hoạt tương đối và thu nhập khả dụng.
Giá của một cốc Caramel Frappuccino cỡ Grande năm 2023 tại thành phố New York (Mỹ) được dùng làm mốc, với số điểm được đặt là 100. Chỉ số Frappuccino càng gần mốc thì mức độ cao cấp của Starbucks trong góc nhìn của người dân tại thành phố đó càng thấp và mức độ tiêu thụ càng rộng.
Vì vậy với điểm số cao, có thể thấy Starbucks được định vị là đồ uống cao cấp và sự thâm nhập tương đối thấp của các thương hiệu chuỗi cà phê quốc tế vào Việt Nam.
Hiện tại, trên thị trường Việt có 4 trên 5 tên tuổi có thị phần lớn hàng đầu đều là thương hiệu xuất phát từ nội địa, gồm: Highlands, The Coffee House, Trung Nguyên và Phúc Long.