Chuỗi bong bóng tại Trung Quốc
Chuỗi bong bóng đang hình thành ở Trung Quốc (Ảnh: Nhịp cầu đầu tư) |
Một chuỗi bong bóng tài sản đang hình thành ở Trung Quốc. Bong bóng lớn nhất và rõ nhất là trên thị trường nhà ở, nhưng không chỉ vậy, giá cả đã tăng mạnh ở các tài sản “ngách” từ thư pháp, đồ cổ, tranh cho đến bã nành (được dùng làm thức ăn chăn nuôi). Vào tháng 5, giá hợp đồng tương lai đối với mặt hàng bã nành đã tăng 40%. Khối lượng giao dịch 600 triệu tấn gấp tới 9 lần lượng tiêu thụ hằng năm của Trung Quốc. Giá vật liệu sản xuất ống PVC cũng tăng 40% từ đầu năm đến nay trên sàn Dalian Commodity Exchange. Đó là nỗi đau đầu cho các nhà điều hành Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại.
Tín dụng dễ dãi, các gói kích thích liên tiếp được tung ra nhằm giữ cho tăng trưởng Trung Quốc không giảm sâu hơn có nghĩa là nền kinh tế “ngập ngụa” trong lượng tiền khổng lồ và dòng tiền này lại cùng theo đuổi một số cơ hội đầu tư ngày càng hiếm hoi, đẩy giá cả mọi thứ tăng mạnh. Lượng cung tiền của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2007 và lượng tiền mới phần lớn đang bị “phong tỏa” ở trong nước, do các biện pháp kiểm soát vốn của Chính phủ.
“Gần như rất ít cơ hội đầu tư còn sót lại trong nền kinh tế thực. Vì thế, tiền đang chảy vào cái gọi là nền kinh tế ảo”, Yang Delong, trưởng chuyên gia kinh tế tại First Seafront Fund Management Co., nhận xét. Công ty này đã cắt mạnh danh mục nắm giữ cổ phiếu trong năm vừa qua và đã chuyển sang trái phiếu và hàng hóa.
Giá cả bùng nổ và lượng giao dịch “điên cuồng” đã báo động giới chuyên gia kinh tế và các nhà điều hành Trung Quốc. Họ đang lo ngại diễn biến này có thể đồng nghĩa với việc bành trướng tín dụng của Trung Quốc đã đi quá xa và đang gây ra tác dụng phụ nguy hiểm cho nền kinh tế.
“Không thể biết được khi nào bạn bị bong bóng nhưng chuỗi dây chuyền kế tiếp các bong bóng nhỏ là một dấu hiệu khá rõ ràng trong lịch sử cho thấy bạn đang rơi vào tình trạng bong bóng”, Michael Pettis, Giáo sư Tài chính tại Đại học Peking, nhận xét.
Tháng 5 vừa qua, tờ People’s Daily của Trung Quốc đã đăng một bài phỏng vấn ngay trang đầu với một “nhân vật có thẩm quyền”. Vị này cho biết nếu không có sự điều hành đúng đắn, lượng tín dụng dư thừa quá mức có thể khơi mào cho một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống, dẫn đến suy thoái và làm bốc hơi nguồn tiền tiết kiệm.
Những rủi ro này có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Giao dịch quặng sắt tại Trung Quốc đã đẩy giá cả trên khắp thế giới tăng chóng mặt cũng như kéo thị trường chứng khoán tại châu Á, châu Âu và Mỹ giảm mạnh khi các thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ vào năm ngoái.
Đáng nói là các rủi ro đang gia tăng vì các canh bạc đầu cơ lại đến từ rất nhiều quỹ đầu tư, công ty và ngân hàng Trung Quốc. Hàng triệu người cũng đã rót tiền tiết kiệm vào các sản phẩm đầu tư mới mang lại mức sinh lời cao. Một số đơn vị bán các sản phẩm này đã bị sụp đổ, làm dấy lên làn sóng phản đối.
Bộ Chính trị Trung Quốc vào tháng 7 cho biết các bong bóng tài sản “là những rủi ro và mối đe dọa tiềm tàng cần được quan tâm đặc biệt”. Giới chuyên gia phân tích cho rằng đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị nhắc đến các bong bóng tài sản, xuất phát từ đợt tăng mạnh giá nhà đất ở những thành phố lớn của Trung Quốc.
Giá căn hộ tại Thâm Quyến, chẳng hạn, đã tăng 47,5% vào năm ngoái, theo Knight Frank. Đó là mức tăng mạnh nhất trên thế giới và gần gấp đôi mức tăng 25% ở thành phố hạng 2 Auckland, New Zealand. Để hạ nhiệt thị trường, một số thành phố Trung Quốc đã nâng tỉ lệ đặt cọc và hạn chế một số giao dịch mua nhà.
Một điều đáng ngại nữa là tổng nợ của Trung Quốc dự kiến sẽ lên tới 260% GDP vào năm nay, tăng từ mức 154% của năm 2008, theo các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs. Đó là một trong những mức tăng nợ lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Tỉ lệ nợ/GDP của nước này đã phình to, gấp 3 lần giai đoạn bành trướng nợ của Mỹ trước thời điểm diễn ra khủng hoảng tài chính, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
Nợ đã bắt đầu phình to khi Trung Quốc tung ra gói kích thích để bảo vệ nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng năm 2008. Nợ công và nợ doanh nghiệp lúc đó đã tăng gấp 3 lần lên mức khoảng 22.000 tỉ USD khi các nhà điều hành sử dụng các khoản tín dụng dễ dãi để hỗ trợ các công ty nhà nước gặp khó khăn và nhằm đạt các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm.
Việc có quá nhiều tiền di chuyển từ loại tài sản này sang loại tài sản khác đã dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào mùa hè năm 2015, có lúc lấy đi 5.000 tỉ USD, tức 43% giá trị các cổ phiếu Trung Quốc. Thị trường Thượng Hải đã phình to gấp đôi từ tháng 6.2014 đến tháng 6.2015, khi nhà đầu tư vay 2.000 tỉ nhân dân tệ (300 tỉ USD) để mua vào cổ phiếu.
Để vực dậy thị trường chứng khoán, các nhà điều hành nước này đã hạn chế bán khống và một nhóm nhà đầu tư được Chính phủ “nhờ cậy” nhảy vào mua lại các cổ phiếu bị rớt giá quá thê thảm.
Tiền sau đó đã chảy vào trái phiếu. Nhiều nhà đầu tư mua chúng bằng cách vay tiền, sử dụng chính trái phiếu mà họ đã sở hữu và cứ thế quy trình này lặp đi lặp lại. Các khoản vay như vậy đã tăng lên đến 2,5 lần quy mô thị trường trái phiếu 7.000 tỉ USD, theo giới phân tích. Cơn sốt đầu tư trái phiếu chỉ hạ nhiệt, khi lợi suất không còn đủ hấp dẫn nhà đầu tư như các loại tài sản khác. Trong quý I năm nay, tín dụng của Trung Quốc đã tăng mạnh thêm 690 tỉ USD, tương đương gấp 3 lần nền kinh tế Ireland.
Sau cơn sốt trái phiếu lại là cơn sốt đầu cơ tài sản, làm tăng giá mạnh đối với một số sản phẩm, trong khi các chỉ số cơ bản của nền kinh tế vĩ mô vẫn cho thấy sự yếu ớt. Hợp đồng tương lai đối với quặng sắt đã tăng 50% từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay mặc dù các bến cảng của Trung Quốc đã chất đống mặt hàng này. Đến tháng 5, giá quặng sắt đã lao dốc.
Các hợp đồng tương lai đối với mặt hàng thép cũng đã tăng mạnh mặc cho những mối lo ngại về công suất sản xuất thép dư thừa. Nhà sản xuất thép Jiangsu Shagang Co., từ chỗ thua lỗ năm 2015 đã có lãi trở lại trong 6 tháng đầu năm nay, một phần nhờ các hợp đồng tương lai thép tăng mạnh, khiến thanh cốt thép của Shagang trở nên có giá hơn.
Không chỉ vậy, Shagang cũng nhảy vào “lĩnh vực các hợp đồng tương tai tài chính.... đầu tư mạo hiểm/rủi ro, bất động sản...”, theo thông tin trên website của công ty này. Cuối năm 2015, Shagang đã mua 600 triệu USD giá trị các sản phẩm quản lý tài sản (đây là những công cụ đầu tư ngắn hạn, rót vào các tài sản từ hàng hóa cho đến nợ xấu). Thị trường đã phình to lên tới khoảng 4.000 tỉ USD giá trị tài sản.
Nhiều sản phẩm quản lý tài sản được tài trợ bởi vốn vay có chi phí rẻ từ thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc. Các sản phẩm này có thể lao dốc nếu Trung Quốc quyết định tăng lãi suất, theo Logan Wright, Giám đốc tại hãng nghiên cứu Rhodium Group.
Dẫu vậy, diễn biến bất ổn nói trên lại là món lợi đối với một số nhà đầu tư. Xiao Chaojiang, điều hành Shenzhen Ruike Investment, cho biết ông đã hưởng lợi từ việc nhảy từ đầu tư cổ phiếu sang các hợp đồng tương lai thanh cốt thép, rồi sang quặng sắt, cotton, bã đậu nành. Ông giờ đang xem xét các lĩnh vực nông nghiệp khác.
“Chúng tôi theo dõi sát sao những thay đổi chính sách liên quan và giám sát dòng chảy vốn trên thị trường”, ông Xiao nói. Hiện tại, các khoản đầu tư của quỹ ông đều rót vào hàng hóa, so với 70% vào cổ phiếu giữa năm ngoái.
Các chuyên gia kinh tế nói rằng Trung Quốc vẫn có khả năng tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng trong một thời gian nữa. Họ có thể tránh được một cuộc khủng hoảng khi đà lao dốc xảy ra, nhờ một số yếu tố “khác biệt”. Nước này có tài khoản vốn “khép kín” và lượng dự trữ khổng lồ. Nợ Trung Quốc lại chủ yếu bằng nhân dân tệ và phần lớn được nắm giữ trong nước. Những điều này có nghĩa là ít dòng vốn nước ngoài hơn chảy ra khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, làm xẹp các bong bóng tài sản là một rủi ro đối với Trung Quốc. Một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả cần dòng tiền dễ dãi để đảo nợ. Ít nhất cho đến bây giờ, các nhà chức trách đang nỗ lực kiểm soát từng bong bong một khi nó phình lên. “Câu châm ngôn là luôn có bong bóng tại Trung Quốc”, Eric Stein, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Eaton Vance, nhận xét.