|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi bán lẻ Nhật Bản mở rộng dấu chân tại Việt Nam

14:48 | 16/09/2024
Chia sẻ
Tầng lớp giàu có và trung lưu tại Việt Nam phát triển nhanh chóng là động lực để các chuỗi bán lẻ Nhật Bản mở rộng đầu tư.

Theo Nikkei, Takashimaya - một chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp Nhật Bản, có kế hoạch thâm nhập thị trường bán hàng doanh nghiệp ngoài cửa hàng tại TP HCM vào năm tới. Mục tiêu của họ là mở rộng mạng lưới khách hàng doanh nghiệp và cá nhân giàu có.

Mặc dù tiêu dùng cá nhân tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng, nhưng hiện có rất ít nhà bán lẻ cung cấp hàng hóa cao cấp. Để nắm bắt cơ hội này, Takashimaya dự định thiết lập một hệ thống bán hàng và nhận đơn đặt hàng dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp, tập trung vào nhu cầu về quà tặng và thiết bị văn phòng.

 Bên trong cửa hàng của Takashimaya tại TP HCM. (Ảnh:Takashimaya/Facebook).

Ban đầu, Takashimaya sẽ củng cố mối quan hệ với các nhà quản lý doanh nghiệp thông qua việc bán hàng trực tiếp, chủ động liên hệ và tiếp nhận đơn đặt hàng. Ngoài ra, họ cũng đang cân nhắc cung cấp dịch vụ tương tự cho các cá nhân có thu nhập cao.

Cửa hàng Takashimaya tại TP HCM hiện có khoảng 200 khách hàng doanh nghiệp, thường mua bánh trung thu để tặng đối tác và nhân viên trong dịp Tết Trung Thu. Tuy nhiên, khác với mô hình tại Nhật Bản, nơi các cửa hàng bách hóa tập trung xử lý mọi yêu cầu từ khách hàng doanh nghiệp, chi nhánh tại Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của mạng lưới khách hàng này.

Ông Yuki Hojo, người đứng đầu chi nhánh Takashimaya tại TP HCM, chia sẻ: "Chúng tôi muốn hiểu rõ nhu cầu của giới thượng lưu trong lĩnh vực doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ và từ đó hướng tới việc chuyển đổi họ thành khách hàng thân thiết trong tương lai."

Chi nhánh Takashimaya ở TP HCM, khai trương năm 2016 tại trung tâm thương mại Saigon Centre, là cửa hàng bách hóa Nhật Bản đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Cửa hàng này chuyên cung cấp các sản phẩm đa dạng, từ mỹ phẩm, quần áo trẻ em đến bánh kẹo và nhiều mặt hàng khác. Doanh số 8 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng ấn tượng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Knight Frank - một công ty bất động sản Anh Quốc, số lượng cá nhân siêu giàu tại Việt Nam, sở hữu tài sản trên 30 triệu USD, dự kiến sẽ tăng 30% từ năm 2023, đạt 978 người vào năm 2028.

Ông Hojo nhận định rằng thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, khi số lượng thương hiệu hiện diện "vẫn còn khá ít". Điều này đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội để khai thác nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp có thu nhập cao. Takashimaya đặt mục tiêu thúc đẩy nhu cầu này bằng cách thu hút các thương hiệu nước ngoài chưa có mặt tại Việt Nam.

Aeon khai trương tại TP Huế sáng 16/9. (Ảnh: Đức Huy).

Một thương hiệu bán lẻ Nhật Bản khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam là Aeon. Sáng 16/9, Aeon đã khai trương trung tâm thương mại tại phường An Đông, TP Huế. Được khởi công từ tháng 2 năm ngoái, Aeon Huế có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng với tổng diện tích 86.216 m2. Đây được đánh giá là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn nhất miền Trung giai đoạn hiện nay.

Trong quý II vừa qua, Việt Nam là thị trường nước ngoài lớn thứ hai của Aeon, doanh số bán hàng tại các trung tâm thương mại hiện có tăng 8,8% so với cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận hơn 20%. 

Hiện AEON đang vận hành 7 trung tâm thương mại ở Việt Nam gồm Hà Đông, Long Biên (Hà Nội), Lê Chân (Hải Phòng), Canary (Bình Dương), Tân Phú, Bình Tân (TP HCM) và An Đông (TP Huế).

Tháng 5 năm ngoái, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch AEON Akio Yoshida nói tập đoàn coi Việt Nam là thị trường quan trọng. Ông cho biết đến nay đã đầu tư 1,18 tỷ USD vào Việt Nam và có kế hoạch phát triển 20 trung tâm thương mại tại đây trong thời gian tới.

Chuyên gia từ Savills cho hay nếu so với Thái Lan, Việt Nam có lợi thế sở hữu nguồn cầu nội địa mạnh mẽ hơn và ngành bán lẻ Việt Nam ít bị phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài.

Trong một báo cáo của Colliers, đơn vị này cho biết với tiềm năng nhiều hứa hẹn, các ông lớn như Central Retail, AEON, Lotte,… đều đang có kế hoạch mở rộng quy mô, tăng độ phủ tại đây. 

Chẳng hạn tháng 9 năm ngoái, khu phức hợp Lotte Mall Hồ Tây có tổng diện tích sàn 354.000 m2 đã được đi vào hoạt động. Tổ hợp này gồm trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ cao cấp và văn phòng hạng A. Trong đó, trung tâm thương mại thuộc hàng lớn nhất Việt Nam có thủy cung trong nhà lớn nhất Hà Nội, đại siêu thị và rạp chiếu phim. 

Đức Huy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.