|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam đang thời đỉnh cao với những kỷ lục chưa bao giờ có

08:06 | 26/05/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận những con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử như mức 1.300 điểm của VN-Index, hơn 3 triệu tài khoản giao dịch của NĐT cá nhân, quy mô vốn hóa 275 tỷ USD.

VN-Index băng qua vùng 1.300 điểm, thiết lập vùng đỉnh lịch sử mới

Có thể nói rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong giai đoạn thăng hoa nhất trong lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển. Nếu như năm 2020, nhà đầu tư bất ngờ khi thị trường liên tục tăng sau khi tạo đáy vào cuối tháng 3, bất chấp những đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế và những doanh nghiệp niêm yết.

Sang "năm COVID thứ hai", thị trường tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.200 điểm. Đây là vùng chỉ số đã đảo chiều giảm sâu chỉ sau một ngày chinh phục được vào tháng 4/2018.

Chưa dừng lại ở đó, phiên giao dịch hôm qua (25/5), một lần nữa nhà đầu tư lại bất ngờ khi VN-Index vượt ngưỡng 1.300 điểm nhẹ nhàng với sự hỗ trợ của dòng cổ phiếu ngân hàng. Trước đó, HNX-Index và VN30-Index băng qua vùng 300 điểm và 1.400 điểm. Đây đều là những đỉnh cao mọi thời đại của các chỉ số này.

Đà tăng điểm của thị trường phá tan những lo sợ về hiệu ứng "Sell in May". Kể từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng 204,71 điểm lên 1.308,58 điểm (tương ứng tỷ lệ 18,54%). Khởi sắc hơn, HNX-Index tăng 48,48% lên 301,59 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 10,02%.

Trước đó, không ít nhà đầu tư hoài khi về vùng 1.200 điểm, chứ chưa nói đến vùng 1.300 điểm của chỉ số. Câu hỏi với nhiều người bây giờ là đỉnh tiếp theo của VN-Index là bao nhiêu?

Dự báo đến cuối năm nay, ông Petri Deryng, người quản lý danh mục của quỹ Pyn Elite Fund (Phần Lan) cho rằng VN-Index đóng cửa năm tại 1.500 điểm là hợp ký. Còn về dài hạn, lãnh đạo quỹ ngoại này kiên định với dự báo 1.800 điểm được nhắc đến nhiều lần trước đó.

Chứng khoán Việt Nam đang thời đỉnh cao với những kỷ lục chưa bao giờ có - Ảnh 1.

Nguồn: HL tổng hợp.

Dòng tiền từ tiết kiệm đổ sang chứng khoán, thanh khoản hàng tỷ USD mỗi phiên

Trở lại diễn biến của thị trường chung, chỉ số tăng hay giảm thời điểm này có lẽ nằm tại chính hoạt động giao dịch của những nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Quá tam ba bận, nhà đầu tư trở nên bình tĩnh hơn trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam. Những lần trước đó, thông tin về những ca nhiễm ngoài cộng đồng khiến thị trường bất ngờ lao dốc. Nhưng mọi thứ đã thay đổi, việc hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày và diễn biến dịch trở nên phức tạp hơn không tác động đến tâm lý thị trường.

Trong tháng 3 và tháng 4, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hàng trăm nghìn tài khoản giao dịch chứng khoán mới. Đây là những con số chưa từng có trong lịch sử. Tính đến cuối tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 3,14 triệu tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước là 3,09 triệu.

Thời điểm hiện nay, nhà đầu tư cá nhân trong nước "chiếm sóng" khi chiếm trên 80% giá trị giao dịch của thị trường. Đáng chú ý hơn, trong 4 tháng đầu năm, khối này bơm vào hơn 1 tỷ USD để mua vào cổ phiếu từ khối ngoại.

Ghi nhận thanh khoản trong tháng 5, giá trị khớp bình quân trên sàn HOSE đạt 17.759 tỷ đồng (tính đến 25/5). Tính chung trên cả hai sàn và thị trường UPCoM, những phiên giao dịch giá trị tỷ USD trở nên quá đỗi quen thuộc. Hệ quả là, trong những phiên gần đây, sàn HOSE lại xuất hiện hiện tượng nghẽn lệnh về cuối phiên dù đã nâng giới hạn từ 14.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng. Tới đây, câu hỏi tiếp theo là tiền từ đâu đổ vào thị trường?

Theo góc nhìn của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, dòng tiền từ tiết kiệm đã lượng tiền chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang thị trường chứng khoán rất lớn. Lượng tiền chuyển sang thị trường chứng khoán lớn tới mức các công ty chứng khoán đã "kiệt" margin. Nếu như trước đây, khi tình trạng này diễn ra sẽ tác động rất lớn đến thị trường.

Nhưng hiện tại, mặc dù các công ty chứng khoán "căng" margin, thị trường vẫn cứ tăng, lượng tiền vẫn vào. Điều này chứng tỏ tài khoản tiết kiệm dịch chuyển sang tài khoản đầu tư của người dân rất nhiều.

Chứng khoán Việt Nam đang thời đỉnh cao với những kỷ lục chưa bao giờ có - Ảnh 2.

Nguồn: LH tổng hợp.

Quy mô vốn hóa tăng 45 tỷ USD trong 5 tháng

Không chỉ thiết lập kỷ lục về mặt điểm số và thanh khoản. Thị trường chứng khoán Việt Nam còn đang có quy mô vốn hóa cao nhất lịch sử. Theo thống kê, tổng giá trị vốn hóa của hai sàn (HOSE, HNX) và thị trường UPCoM tại ngày 25/5 là 6,34 triệu tỷ đồng (tương đương 275 tỷ USD). Theo đó, quy mô tăng hơn 1 triệu tỷ đồng (45 tỷ USD) so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, sàn HOSE vẫn có quy mô vốn hóa lớn nhất với hơn 4,9 triệu tỷ đồng (212,8 tỷ USD), tăng 823.865 tỷ đồng (35,7 tỷ USD) so với thời điểm đầu năm 2021.

Với những diễn biến trên cho thấy thị trường đang trong thời điểm tích cực nhất lịch sử. Nói về tổng quan năm 2021, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng thị trường sẽ tốt hơn năm ngoái. Diễn biến thị trường tốt không chỉ nằm ở việc tăng điểm, mà còn thể hiện ở việc huy động vốn nhiều hơn trên thị trường để hồi phục nền kinh tế.

Lợi Hoàng