|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán và nỗi lo COVID-19 trở lại

06:45 | 27/07/2020
Chia sẻ
Theo nhận định từ Chứng khoán BSC, nếu tái bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam, tác động của nó đối với thị trường tiềm năng sẽ không nhiều như với khoảng thời gian đầu diễn ra dịch bệnh. Sự bi quan của thị trường có thể được duy trì tương đương hoặc ngắn hơn giai đoạn dịch leo thang trong tháng 3, theo dự kiến có thể là khoảng 2 - 3 tuần.

Phản ứng của thị trường trước thông tin về COVID-19: Sự bi quan có thể khoảng 2 - 3 tuần

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua khi VN-Index mất 27,59 điểm, đóng cửa tuần ở 829,16 điểm. Có thời điểm VN-Index giảm hơn 40 điểm so với mốc tham chiếu, xuống mức thấp nhất 816,65 điểm.

Lực bán trên diện rộng khiến 668 mã giảm giá trên toàn thị trường, trong đó có đến 125 cổ phiếu giảm sàn. Toàn bộ cổ phiếu rổ VN30 đều giảm điểm. Những mã tác động lớn nhất đến đà giảm của VN-Index trong phiên cuối tuần có VHM (2,62 điểm), VIC (1,95 điểm), BID (1,88 điểm), VCB (1,62 điểm), VNM (1,55 điểm).

Phiên giảm điểm cuối tuần qua diễn ra trong bối cảnh thị trường xuất hiện thông tin về ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Việt Nam sau gần 100 ngày. Điều này khiến NĐT liên tưởng đến phiên bán tháo của thị trường khi bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 17 xuất hiện tại Việt Nam vào đầu tháng 3.

Nói về phiên giảm điểm ngày thứ Sáu tuần trước, Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng thị trường sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư lo lắng về sự trở lại của dịch COVID-19.

Cùng quan điểm trên Chứng khoán MBS cho rằng thông tin ca nhiễm ở Đà Nẵng làm cho đà giảm mạnh hơn. Bên cạnh đó, đà giảm từ thị trường thế giới cũng gây áp lực đến thị trường.

Chứng khoán và nỗi lo COVID-19 trở lại - Ảnh 1.

Nỗi lo về dịch COVID-19 trở lại. Ảnh: PQ

Với những gì đã diễn ra, quan điểm đưa ra là giới đầu tư đang lo ngại thị trường bị tác động khi dịch COVID-19 xuất hiện trở lại ngoài cộng đồng là có cơ sở.  Theo nhận định của Chứng khoán Bảo Việt, diễn biến của VN-Index trong tuần 27 – 31/7 nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng bởi tin tức liên quan đến tái bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong diễn biến tiêu cực, thị trường lại xuất hiện những điểm sáng. Đơn cử, lực cầu đột biến phiên cuối tuần đẩy thanh khoản khớp lệnh đạt hơn 6.800 tỉ đồng, gấp 2 lần trung bình 4 phiên trước đó. Ngoài ra, thị trường được hỗ trợ bằng việc mua ròng của khối ngoại, bộ phận tự doanh.

Trở lại nhận định về tác động COVID-19 đến thị trường, Chứng khoán BSC cho rằng nếu tái bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam, tác động tiềm năng sẽ không nhiều như với khoảng thời gian đầu diễn ra dịch bệnh.

Về mặt thời gian, sự bi quan của thị trường có thể được duy trì tương đương hoặc ngắn hơn giai đoạn dịch leo thang trong tháng 3, theo dự kiến có thể là khoảng 2 - 3 tuần, chuyên gia từ BSC nhận định.

Nhà đầu tư nên làm gì lúc này?

Với diễn biến phiên cuối tuần, TTCK Việt Nam được dự báo là biến động mạnh trong tuần giao dịch cuối tháng 7. Vậy NĐT nên làm gì lúc này?

Theo Chứng khoán KIS Việt Nam, tâm lí thị trường đã trở nên thận trọng trong ngắn hạn khi áp lực bán xuất hiện trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Qua đó làm rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn gia tăng. Do đó, NĐT nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và đứng bên ngoài quan sát.

Còn theo chuyên gia từ Chứng khoán MBS, khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên hồi kĩ thuật trong các phiên sắp tới. Nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì ở mức cao thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm, ngược lại dòng tiền "thờ ơ" thì NĐT nên chuẩn bị kịch bản thận trọng hơn.

Cùng với sự tác động của dịch COVID-19, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) còn cho rằng hoạt động tái cơ cấu lại danh mục của các ETF đầu tư theo chỉ số VN30, VN Diamond và VNFin Lead trong tuần tới cũng sẽ tiếp tục tạo ra những biến động khó lường trên thị trường.

Do đó, chiến lược được Chứng khoán Bảo Việt đưa ra là NĐT giảm tỷ trọng danh mục xuống mức 10 - 20% cổ phiếu. Song song với đó, NĐT hạn chế mở mới các vị thế, đề phòng thị trường tiếp tục đón nhận những tin tức tiêu cực.

Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định thị trường giảm mạnh đột ngột, tuy giữ được trên vùng hỗ trợ mạnh ngắn hạn nhưng các chỉ báo kỹ thuật đều đang ở xu thế yếu cho thấy thị trường khó có thể hồi phục ngay. Như vậy, các NĐT có thể đợi nhịp hồi nhẹ để giảm dần danh mục hoặc chưa nên vội tham gia thị trường lúc này.

Chứng khoán và nỗi lo COVID-19 trở lại - Ảnh 2.

Kì vọng về nhịp hồi kĩ thuật của thị trường. Ảnh: Internet

Đâu là ngưỡng hỗ trợ của thị trường?

Chủ đề khác được NĐT quan tâm lúc này là nhận định về vùng cân bằng của VN-Index. Theo bộ phân phân tích của Chứng khoán KIS Việt Nam, ngưỡng hỗ trợ quan trọng của VN-Index là 800 – 810 điểm.

Còn theo Chứng khoán BSC, thanh khoản trong xu hướng giảm ngắn hạn hiện tại có chiều hướng tăng dần nên nhiều khả năng áp lực bán có thể tiếp tục tồn tại trong những phiên tới. Nếu ngưỡng hỗ trợ 805 điểm bị phá vỡ thì biến động dò đáy sẽ khó lường trở lại.

Nhận định từ Chứng khoán Rồng Việt, VN-Index đã giảm mạnh bất ngờ trong phiên hôm nay và về vùng hỗ trợ 821-823 điểm và đã hồi phục nhẹ chưa mất ngưỡng hỗ trợ này là điều đáng lưu tâm. VN-Index sẽ chưa thể phục hồi ngay mà còn có thể kiểm tra vùng hỗ trợ này để xác định vùng đáy ngắn hạn.

Đồng quan điểm, chuyên gia từ Chứng khoán Bản Việt dự báo thị trường có thể tiếp tục có quán tính giảm vào đầu ngày để các chỉ số hai sàn kiểm định lại khu vực hỗ trợ phía dưới, đối với chỉ số VN-Index đó là mốc 815 - 825 điểm.

Tuy nhiên, Chứng khoán Bản Việt kì vọng lực cầu giá thấp vẫn sẽ được thúc đẩy từ vùng hỗ trợ quan trọng này, giúp VN-Index có sự hồi phục kỹ thuật về phía sau đó. Trong kịch bản này, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại kháng cự ngắn hạn tại 840 - 845 điểm trước khi giảm điểm trở lại.

Nếu VN-Index ở một thời điểm nào đó trong tuần tới đóng cửa dưới mốc 815 điểm, chỉ số này sẽ kích hoạt sóng giảm điểm trung hạn với các mục tiêu 795, 765 và 740 điểm, báo cáo phân tích của Chứng khoán Bản Việt nêu.

Từ nhận định của các công ty chứng khoán, thị trường có khả năng hồi kĩ thuật và diễn biến của thị trường phụ thuộc tương đối vào dòng tiền tham gia "bắt đáy". Nhưng thị trường luôn diễn biến phức tạp, do vậy NĐT nên xác định một chiến lược quản trị rủi ro trong bối cảnh biến động mạnh hiện hữu.


Phan Quân