|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chứng khoán Trường Sơn: Lập 1.558 xác nhận giao dịch khống, vay tiền ngân hàng

09:02 | 09/08/2017
Chia sẻ
5 năm sau khi nhà đầu tư có đơn thư tố cáo, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi sai phạm của các lãnh đạo Công ty cổ phần Chứng khoán Trường Sơn (TSS).

chung khoan truong son lap 1558 xac nhan giao dich khong vay tien ngan hang

Theo cáo trạng, Công ty Chứng khoán Trường Sơn thành lập năm 2008 do ông Hoàng Minh Sơn làm Chủ tịch HĐQT và là cổ đông sáng lập.

Ông Phạm Ngọc Thắng giữ chức Tổng giám đốc, ông Nguyễn Trung Thành là Phó tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty. Ngoài TSS, ông Hoàng Minh Sơn còn thành lập Công ty cổ phần Quốc tế Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam.

TSS huy động vốn bằng cách ký hợp đồng vay vốn của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (nay sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB) thông qua hình thức vay ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết.

Ngày 7/8/2017, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nam và Thành về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Song do vắng mặt các nhân chứng nên phiên tòa đã phải tạm hoãn ngay sau phần thẩm tra lý lịch.

Hai bên thỏa thuận, TSS làm đầu mối tiếp nhận, hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn và chịu trách nhiệm tính pháp lý của hồ sơ. Trước 15 giờ hàng ngày, TSS tập hợp toàn bộ hồ sơ khoản vay gốc của khách hàng chuyển sang ngân hàng duyệt cho vay theo phương thức giao nhận hồ sơ trực tiếp.

Ngân hàng chịu trách nhiệm thẩm định thông tin, hồ sơ khách hàng, tính số lãi vay và số tiền khách hàng thực nhận. Với hồ sơ được phê duyệt, ngân hàng ký chấp nhận cho vay và chuyển tiền vào tài khoản của TSS ngay trong ngày.

Ngân hàng gửi lại cho TSS giấy đề nghị ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết có đầy đủ chữ ký khách hàng. Khi khoản vay đến hạn, ngân hàng có quyền tự động thu hồi nợ gốc, lãi vay và phí của khách hàng từ tài khoản của TSS.

Ngày 19/5/2010, ông Phạm Ngọc Thắng bị miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc. Ông Hoàng Minh Sơn trở thành người đại diện theo pháp luật của TSS.

Ngày 20/5/2010, ông Sơn ký quyết định “giao cho Ban giám đốc thực hiện việc huy động vốn dưới hình thức ký hợp đồng vay vốn hoặc hợp đồng mua trái phiếu chính phủ; thực hiện vay vốn ngân hàng dưới hình thức ứng trước tiền bán chứng khoán dưới tên cá nhân nhà đầu tư có lệnh bán khớp và cả không có lệnh bán khớp với hạn mức tối đa không quá 50 tỷ đồng”.

Ngày 30/7/2010, Hồ Hoài Nam (SN 1977, Kế toán trưởng) được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc TSS. Ông Sơn cũng giao con dấu Công ty đồng thời ủy quyền cho ông Nam và Nguyễn Trung Thành đại diện TSS ký kết hợp đồng với ngân hàng.

Các bên thống nhất cùng phối hợp triển khai dịch vụ cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết với khách hàng mở tài khoản tại TSS có kết quả khớp lệnh thành công và được TSS xác nhận. Số tiền cho vay tối thiểu là 10 triệu đồng/lần/khách hàng.

Số tiền cho vay đối với mỗi khách hàng bằng tiền bán chứng khoán niêm yết của khách hàng trừ phí giao dịch, phí có liên quan khác và số lãi tiền vay ứng trước khách hàng phải thanh toán cho ngân hàng nhưng dư nợ cho vay tối đa không quá 4 tỷ đồng/khách hàng. Thời hạn cho vay tính từ ngày ngân hàng giải ngân đến ngày khách hàng nhận được tiền bán chứng khoán niêm yết, tối đa là 3 ngày làm việc.

Với cương vị lãnh đạo, bị cáo Nam và Thành đã chỉ đạo nhân viên các phòng nguồn vốn, kế toán, môi giới lập, ký giả chữ ký khách hàng, ký khống vào xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán.

Với cách thức trên, từ ngày 31/5/2010 đến ngày 14/9/2011, lãnh đạo của TSS đã ký 1.628 xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán; lập 1.691 bộ hồ sơ mang tên các nhà đầu tư cá nhân. Ngân hàng giải ngân cho TSS tổng số tiền 2.714 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác minh, có 1.558 xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán là khống, còn lại 70 xác nhận là có thật để lập 48 bộ hồ sơ giao dịch với tổng trị giá khớp lệnh là 6,8 tỷ đồng. Dưới sự chỉ đạo của bị cáo Nam và Thành, TSS đã kê khai nâng khống giá trị vay của ngân hàng lên 76,5 tỷ đồng. Con số này gấp 11 lần so với giá trị thực tế đã khớp lệnh.

2 đối tượng sử dụng phần lớn tiền vay trả nợ ngân hàng, trả chi phí hoạt động Công ty; cho Công ty cổ phần Việt Nam vay 11,6 tỷ đồng và Công ty cổ phần Việt Nam Quốc tế 25,8 tỷ đồng.

Năm 2011, ngân hàng chấm dứt hợp đồng với TSS. Năm 2013, TSS bị đình chỉ và chấm dứt hoạt động kinh doanh. Ngân hàng cho biết, hiện TSS còn nợ gốc 43,6 tỷ đồng; nợ lãi 20,7 tỷ đồng. Các khoản vay đều không có tài sản đảm bảo.

Kết quả xác minh, 10/28 người có tên trong các bộ hồ sơ vay tiền đều khẳng định chữ ký bị giả mạo. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận, toàn bộ nội dung trong 28 xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán là khống.

Trong quá trình điều tra, bị cáo Nam và Thành khai nhận làm theo chỉ đạo của ông Hoàng Minh Sơn. Ông Sơn không thừa nhận các lời khai trên. Ông Sơn đã chuyển số tiền 43,6 tỷ đồng để trả nợ gốc của TSS.

Do kết quả điều tra chưa chứng minh được hành vi phạm tội của ông Sơn nên năm 2016, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố bị can đối với ông này.

Cơ quan tố tụng xác định, để xảy ra hậu quả là có trách nhiệm của lãnh đạo, nhân viên ngân hàng. Nhưng vì việc cho vay diễn ra trong thời gian dài, doanh số lớn, TSS đều trả phần lớn nợ gốc và lãi. Cơ quan điều tra không phát hiện dấu hiệu tư lợi của cán bộ ngân hàng nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với một số cá nhân liên quan.

Đỗ Mến