|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán thời 4.0: Tiến tới sự chuyên nghiệp

21:52 | 25/01/2020
Chia sẻ
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi phương thức giao dịch, mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức với các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán
Chứng khoán thời 4.0: Tiến tới sự chuyên nghiệp - Ảnh 1.

SSI ra mắt sản phẩm iWin - Ứng dụng giao dịch giả lập đầu tiên tại thị trường chứng khoán Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động rất lớn đến các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế; trong đó có lĩnh vực chứng khoán.

Nó làm thay đổi phương thức giao dịch, mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức với các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán như doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư, công ty chứng khoán...

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, các chủ thể tham gia thị trường đều phải tự hoàn thiện mình, tiến tới sự chuyên nghiệp.

Nhìn lại những năm trước đây, vào thời điểm cơn sốt thị trường năm 2005-2007, sàn giao dịch của các công ty chứng khoán đón hàng trăm nhà đầu tư đến xếp hàng để đặt phiếu lệnh mỗi ngày khiến nhân viên môi giới tất bật nhằm thực hiện các giao dịch cho khách hàng thì giờ đây không khí đã khác hẳn.

Hầu hết khách hàng giao dịch qua các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính để đặt lệnh và môi giới chứng khoán cũng không cần gặp khách hàng mà các thông tin được trao đổi qua tin nhắn Facebook, Zalo, Viber...

Thực tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức giao dịch và trao đổi thông tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Anh Trần Văn Toản, một nhà đầu tư “ăn ngủ” với chứng khoán 15 năm nay cho biết, qua rồi thời mọi người “dồn” lên sàn đặt phiếu lệnh, việc mua bán thường theo cảm xúc đám đông, người nọ thấy người kia mua, bán thì cũng tranh mua và tranh bán.

Bây giờ với việc phủ sóng Internet và sự phổ cập của điện thoại thông minh thì việc giao dịch trực tuyến qua Internet với nhiều ưu điểm vượt trội là lựa chọn của số đông nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp, tin tức thế giới... trên "bàn tay" của mình ở bất cứ nơi nào để đưa ra quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, giới đầu tư cũng cho rằng, thuận lợi trong việc dễ dàng tiếp cận thông tin không có nghĩa là thuận lợi trong việc kiếm tiền.

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Ngọc tâm sự giờ đây nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin của doanh nghiệp trên Internet. 

Dù vậy, thông tin nhiều khi không đủ độ tin cậy, điều này đòi hỏi nhà đầu tư cần có sự sàng lọc kỹ càng bởi khi công nghệ tiện lợi thì càng có nhiều thông tin “rác.”

“Nghề chứng khoán là nghề kinh doanh lâu dài nên thị trường khó khăn càng tốt, nếu đầu tư vào công ty mà thông tin đã lên mặt báo thì không ăn thua,” anh Ngọc chia sẻ.

Thực tế, hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư giỏi, họ đã “va đập” với thị trường nhiều, có kiến thức tài chính và học hành bài bản, coi đầu tư chứng khoán là công việc chính. 

Bởi chỉ có tiến đến chuyên nghiệp, đúc rút được kinh nghiệm mới “sống sót” được trên thị trường chứng khoán.

“Ngày trước nhiều nhà đầu tư kiếm được rất nhiều tiền từ thị trường chứng khoán vì khi đó nhiều người không hiểu thị trường chứng khoán là gì. 

Bây giờ có nhiều mã cổ phiếu nhưng cũng có nhiều người đầu tư, tức là thêm nhiều người "đi săn." "Thợ săn" rất nhiều nên việc kiếm tiền trở nên khó khăn hơn,” nhà đầu tư Nguyễn Văn Ngọc cho biết.

Theo anh Ngọc, nhà đầu tư phải có kiến thức về tài chính, chăm chỉ và đầu tư phải mang tính chuyên nghiệp bởi thị trường giờ khác trước rất nhiều. 

Nhà đầu tư muốn thành công phải là người trong cuộc để biết được “câu chuyện” của cổ phiếu, nếu không phải là người trong cuộc thì phải là người tinh ý, nhìn giao dịch và dựa vào những tin tức xung quanh cổ phiếu đó để có thể biết được những tiềm ẩn trong tương lai.

Thực tế, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không chỉ nhà đầu tư phải chuyên nghiệp hơn mà các môi giới chứng khoán cũng cần năng động và nâng cao đẳng cấp trước sự cạnh tranh khốc liệt.

Theo ông Nguyễn Duy Định, chuyên viên chăm sóc khách hàng cao cấp công ty Chứng khoán MB - MBS, trước đây, khách hàng và môi giới thường xuyên gặp nhau vì mạng Internet chưa phát triển, phần mềm giao dịch online chưa có, còn bây giờ mọi hoạt động, trao đổi của môi giới và nhà đầu tư thông qua các kênh như Facebook, Zalo, các diễn đàn... Quan trọng là thông tin được truyền đạt nhanh hơn.

Tuy nhiên, môi giới giờ đây phải năng động hơn trong quá trình tìm hiểu thông tin vì với lượng thông tin nhiều, lại công khai nên cần có sự chắt lọc. 

Môi giới hiện nay nhàn về mặt cơ học, nhưng lại rất vất vả về trí tuệ. Đặc biệt môi giới còn chịu sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty.

Vì vậy, nghề môi giới đòi hỏi phải phát triển về trí tuệ - điều kiện then chốt để cạnh tranh. Cũng chính vì cạnh tranh nên nghề môi giới hiện nay có thu nhập thấp hơn trước, dù thị trường tăng trưởng, ông Định chia sẻ.

Thực tế tại Việt Nam, nhà đầu tư giờ đây đang có xu hướng lựa chọn những công ty chứng khoán có nền tảng hệ thống hiện đại, ứng dụng tích hợp công nghệ cao, đồng thời đưa ra những chính sách ưu đãi về chi phí giao dịch để mở tài khoản và tiến hành giao dịch.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay còn hơn 70 công ty chứng khoán đủ tư cách pháp lý hoạt động. 

Trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên và tiềm lực tài chính, công nghệ của các công ty này đã tăng lên nhiều sau 20 năm thị trường đi vào hoạt động. Hiện 10 công ty chứng khoán lớn nhất chia nhau 70% thị phần, số còn lại chia cho các công ty vừa và nhỏ.

Theo ông Nguyễn Trường Xuân - Phó phòng phát triển sản phẩm Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt - TVSI, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều thách thức buộc các công ty chứng khoán phải có sự thay đổi.

Trước hết là các chủ thể tham gia thị trường phải thay đổi để nắm bắt và tận dụng ưu thế trong lĩnh vực công nghệ khi ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn), IoT (mạng lưới vạn vật kết nối Internet)...; thay đổi về tư duy để tiếp nhận những xu hướng mới, chuẩn bị về tri thức, trình độ nhân lực để ứng dụng và phát huy các thế mạnh của công nghệ.

Tiếp theo là vấn đề an toàn thông tin. Trong môi trường được kết nối trên Internet, vấn đề an ninh, an toàn thông tin phải được các công ty chứng khoán đặt lên hàng đầu. 

Ngoài ra, các công ty chứng khoán còn gặp thách thức về nguồn lực tài chính cũng như nhân lực để hiện đại hóa, số hóa các hoạt động.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ khiến một số vị trí công việc biến mất và thay thế bằng những máy móc, phần mềm. 

Ví dụ như ứng dụng các robot AI để tư vấn và robot tìm kiếm xử lý dữ liệu sẽ thay thế dần vai trò của các nhân viên môi giới và chuyên viên phân tích.

Tuy vậy, ông Nguyễn Trường Xuân cho rằng có rất nhiều cơ hội mở ra cho các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán nếu biết tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng này. Đó là tìm kiếm các cơ hội đầu tư nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Việc tận dụng sức mạnh của việc xử lý dữ liệu lớn với việc ứng dụng công nghệ AI sẽ giúp các chủ thể đưa ra được các quyết định nhanh chóng, có độ chính xác và an toàn cao.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ giúp các công ty chứng khoán cắt giảm các loại chi phí trong hoạt động và tìm kiếm cơ hội đầu tư và giao dịch. 

Việc ứng tự động hóa với sự trợ giúp của các robot 4.0 sẽ giải quyết các công việc đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Các công ty chứng khoán sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Các chủ thể tham gia thị trường nếu ứng dụng sớm các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh vượt trội, ông Xuân nhận định.

“Tại TVSI, chúng tôi đang từng bước số hóa các hoạt động, ứng dụng các công nghệ mới trong việc xử lý thông tin, tư vấn cho khách hàng. 

Chúng tôi đang từng bước xây dựng một nền tảng số kết nối với từng nhà đầu tư nhằm phục vụ từng nhu cầu riêng biệt theo sở thích và khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư để có các sản phẩm phù hợp,” Phó phòng phát triển sản phẩm TVSI, ông Nguyễn Trường Xuân cho biết.

Văn Giáp

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.