|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ phục hồi, Dow Jones tăng 600 điểm khi giá dầu xuống dưới 100 USD/thùng

07:21 | 16/03/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 15/3 tăng điểm sau ba phiên giảm liên tiếp trong bối cảnh giá dầu thô tụt xuống dưới 100 USD/thùng và số liệu lạm phát giá sản xuất thấp hơn dự báo.
Chứng khoán Mỹ phục hồi, Dow Jones tăng 600 điểm khi giá dầu xuống dưới 100 USD/thùng - Ảnh 1.

Dow Jones hồi phục trong phiên 15/3 nhưng còn kém xa đỉnh lịch sử đầu năm 2022.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 599 điểm, tức 1,82%, và đóng cửa ở 33.544 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,1% lên 4.262 điểm, hiện vẫn còn kém 11% so với đỉnh lịch sử hồi đầu năm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,9%.

Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong bối cảnh nhà đầu tư đang theo dõi các cuộc đàm phán về xung đột Ukraine và tác động của các lệnh phong tỏa diện rộng ở Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng.

Một thông tin quan trọng khác là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc phiên họp định kỳ và công bố chính sách lãi suất vào chiều 16/3. Thị trường kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Chứng khoán Mỹ phục hồi, Dow Jones tăng 600 điểm khi giá dầu xuống dưới 100 USD - Ảnh 3.

CNBC dẫn lời ông Julian Emanuel, Giám đốc điều hành cao cấp của ngân hàng đầu tư Evercore ISI, nhận định: "Thị trường đang dự báo 7 đợt tăng lãi suất trong năm 2022. Các loại hàng hóa bị bán tháo trong những ngày gần đây nên rủi ro lạm phát đã giảm bớt. Khi đó, xu hướng đầu tư tự nhiên là tìm đến những ngành tăng trưởng mạnh hơn".

Ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư của công ty nghiên cứu CFRA cho rằng các nhân tố hỗ trợ thị trường trong phiên hồi phục 15/3 bao gồm giá dầu thô lao dốc và số liệu lạm phát thấp hơn dự báo.

Giá dầu thô WTI tại Mỹ tụt 6,4% xuống còn 96,4 USD/thùng, giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế lao dốc 6,5% xuống còn 99,9 USD/thùng. Mới tuần trước, dầu thô WTI còn được giao dịch với giá trên 130 USD/thùng, dầu Brent có lúc chạm 139 USD. Chỉ trong một tuần, giá dầu đã lao dốc 27%.

Chứng khoán Mỹ phục hồi, Dow Jones tăng 600 điểm khi giá dầu xuống dưới 100 USD/thùng - Ảnh 4.

Nhân tố khiến giá dầu tụt dốc như biểu đồ trên được cho là các đợt phong tỏa chống dịch mới ở Trung Quốc đe dọa cắt giảm nhu cầu xăng dầu, các cuộc đàm phán hòa bình về xung đột Ukraine cũng có thể làm cho nguồn cung bớt căng thẳng.

Nhiều doanh nghiệp từ chối giao dịch dầu của Nga vì lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy vậy, Nga vẫn có thể tìm được người mua, trong đó có Ấn Độ. Hiện nay, châu Âu vẫn chưa cấm nhập khẩu dầu khí của Nga, tức là tình hình hiện nay không đáng sợ như nhiều nhà đầu tư từng lo sợ.

Phiên 15/3, cổ phiếu các đại gia dầu khí Chevron và Exxon Mobil cùng mất trên 5%, chứng chỉ quỹ Energy Select Sector SPDR giảm phiên thứ 3 liên tiếp khi mất 3,7%. Thống kê bên dưới cho thấy cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất thuộc S&P 500 giảm điểm trong phiên vừa qua. Các nhóm cổ phiếu còn lại đều tăng từ 0,7% đến 3,4%.

Chứng khoán Mỹ phục hồi, Dow Jones tăng 600 điểm khi giá dầu xuống dưới 100 USD - Ảnh 4.

Cổ phiếu các đại gia công nghệ Microsoft và Netflix cùng tăng 3,8% sau khi các nhà phân tích Phố Wall duy trì khuyến nghị mua vào. Oracle tăng 4,5%, cổ phiếu các nhà sản xuất chip Nvidia và Advanced Micro Devices đi lên tương ứng 7,7% và 6,9%. Biểu đồ trên cho thấy công nghệ là nhóm tăng mạnh nhất thị trường ngày 15/3.

Giá dầu giảm giúp cho cổ phiếu hàng không, du lịch diễn biến tích cực. United Airlines và American Airlines cùng vọt lên trên 9%, Delta Air Lines tăng 8,7%. Chứng chỉ quỹ ngành du lịch và giải trí Invesco Dynamic Leisure and Entertainment ETF tăng 2,7%.

Trong một diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ ngày 15/3 cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2 tăng 0,8% so với tháng liền trước, thấp hơn so với con số 0,9% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

Core PPI - chỉ số giá sản xuất sau khi loại bỏ giá năng lượng và lương thực - tăng 0,2%, thấp hơn con số 0,6% mà các chuyên gia dự báo.

Tình hình làm phát là một trong những mối quan tâm chính của quan chức Fed trong cuộc họp ngày 15-16/3. Tháng 12/2021, Fed dự báo lạm phát năm nay sẽ ở khoảng 2,7%. Tuy nhiên trong tháng 2 vừa qua, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng tới 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng của giá cả. Lần gần đây nhất Fed nâng lãi suất là tháng 12/2018, như thể hiện trong thống kê bên dưới. Ngoài ra, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ cũng sẽ cập nhật các dự báo về tăng trưởng GDP, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp.

Chứng khoán Mỹ phục hồi, Dow Jones tăng 600 điểm khi giá dầu xuống dưới 100 USD/thùng - Ảnh 6.

Lần gần đây nhất Fed nâng lãi suất là tháng 12/2018.

Song Ngọc