|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ giảm điểm giữa lo ngại về lạm phát

07:07 | 14/07/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 13/7 đồng loạt giảm sau khi số liệu lạm phát cao hơn dự kiến được công bố, bất chấp kết quả kinh doanh quý II khả quan của nhiều doanh nghiệp.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 107 điểm, tương đương 0,31%. Trong phiên trước, chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechip này đóng cửa trên đỉnh lịch sử sát mốc 35.000

Chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 0,35% sau khi lên đỉnh ở giữa phiên. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 0,38%. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 tụt gần 1,9%, ghi nhận phiên tiêu cực nhất kể từ ngày 18/6.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm giữa lo ngại về lạm phát - Ảnh 1.

Dow Jones giảm hơn 100 điểm vào phiên 13/7 sau khi lên đỉnh sát mốc 35.000 trong phiên trước đó. (Nguồn: CNBC).

Theo CNBC, các chỉ số chứng khoán Mỹ đi xuống khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng 4 điểm cơ bản và vượt mốc 1,4%. 

Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 5,4% so với một năm trước, mức tăng cao nhất trong gần 13 năm trở lại đây. Các nhà kinh tế mà Dow Jones khảo sát dự báo tỷ lệ lạm phát chỉ là 5%. 

Chỉ số lạm phát lõi (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) tăng 4,5%, cao nhất kể từ tháng 9/1991 và lớn hơn nhiều so với mức dự báo 3,8%.

Ông Cliff Hodge, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý quỹ Cornerstone Wealth nhận định: "Số liệu CPI tháng 6 tăng vọt đã khiến thị trường bất an. Trong tương lai gần, chúng tôi kỳ vọng những con số lạm phát này sẽ hạ nhiệt. Tháng 6/2020 là thời điểm CPI lõi xuống thấp kỷ lục do các biện pháp phong tỏa vì đại dịch, vì vậy nền so sánh từ tháng tới sẽ cao hơn". 

Ông Hodge nói thêm: "Giá xe ô tô cũ tháng 6/2021 tăng tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này khó có thể duy trì trong vài tháng tới".

Trao đổi với đài CNBC, bà Mary Daly, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh San Francisco cho rằng mức lạm phát cao gần đây chỉ là tạm thời. Bà cũng nhận định rằng việc nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ sẽ cho phép Fed cắt giảm chương trình bơm tiền vào cuối 2021 hoặc đầu năm sau.

Kết quả kinh doanh không thúc đẩy được chứng khoán Mỹ

Số liệu lạm phát và bình luận của bà Daly được công bố sau khi các ngân hàng lớn và đại gia nước giải khát PepsiCo công bố kết quả kinh doanh quý II vượt xa dự báo. Tuy nhiên trong bối cảnh giá cổ phiếu đang ở gần đỉnh lịch sử và Dow Jones sát mốc 35.000, kỳ vọng thực tế của nhà đầu tư có thể còn cao hơn nhiều so với ước tính của các chuyên gia.

JPMorgan Chase thông báo lợi nhuận quý II đạt 11,9 tỷ USD, tương đương với EPS 3,78 USD, cao hơn hẳn so với ước tính 3,21 USD của Refinitiv. Tuy vậy, giá cổ phiếu JPMorgan vẫn đóng cửa giảm 1,5%.

Các ngân hàng đã trích lập hàng tỷ USD dự phòng rủi ro tín dụng trong đại dịch nhưng đã giải phóng dần các khoản dự phòng này do khách đi vay trả nợ đúng hạn nhiều hơn dự kiến. Trong lợi nhuận quý II của JPMorgan có 2,3 tỷ USD đến từ hoàn nhập các khoản trích lập, đây có thể là lý do khiến nhà đầu tư không đánh giá cao kết quả kinh doanh của nhà băng này.

Goldman Sachs công bố EPS quý II đạt 15,02 USD, cao gấp rưỡi dự tính 10,24 USD của các nhà phân tích. Dù vậy, giá cổ phiếu vẫn giảm 1,2%. Doanh thu mảng ngân hàng đầu tư của Goldman Sachs lên cao chưa từng thấy nhờ hàng loạt thương vụ IPO tìm đến Phố Wall trong quý vừa qua.

Cổ phiếu PepsiCo tăng 2,3% sau khi đại gia nước ngọt này công bố doanh thu và lợi nhuận vượt xa ước tính, chủ yếu nhờ nhu cầu của các nhà hàng đã hồi phục. PepsiCo cũng nâng dự báo kết quả của quý sau.

Song Ngọc