|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Hàn Quốc từ chỗ bị ghẻ lạnh trở thành con cưng của quĩ ngoại

10:11 | 25/11/2020
Chia sẻ
Dòng vốn nước ngoài đẩy giá cổ phiếu Hàn Quốc đi lên trong tháng 11 dù các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước bán ra. Chỉ số Kospi liên tiếp đóng cửa ở mức cao kỉ lục trong tuần này.
Chứng khoán Hàn Quốc từ chỗ bị ghẻ lạnh trở thành 'con cưng' của quĩ đầu tư ngoại - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Bloomberg.)

Chỉ một năm trước, cổ phiếu Hàn Quốc bị nhà đầu tư nước ngoài gạt đi như một cái bẫy giá trị. Giờ đây, chúng nằm trong nhóm cổ phiếu nóng nhất thế giới trong bối cảnh nhà đầu tư săn đón các cổ phiếu tăng trưởng dựa trên niềm lạc quan về vắc xin COVID-19 và chính quyền ông Biden.

Hàn Quốc cũng được hưởng lợi từ việc nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tại các thị trường mới nổi khi đồng USD suy yếu.

Theo Bloomberg, thị trường Hàn Quốc ghi nhận tốc độ hồi phục từ mức đáy tháng 3 nhanh thứ hai trên thế giới, chỉ sau Argentina. Dù nhà đầu tư nhỏ lẻ là động lực của chứng khoán Hàn Quốc trong hầu hết năm nay, nhà đầu tư ngoại đã vượt lên dẫn trước trong tháng này khi các cá nhân chốt lời.

Ông Jeon Kyung-dae, Giám đốc đầu tư tại Macquarie Investment Management Korea cho biết: "Hàn Quốc từng là kẻ thua cuộc lớn trước rủi ro thương mại toàn cầu bị thu hẹp do chiến tranh thương mại và COVID-19. Nhưng hiện giờ, trước kì vọng về viễn cảnh kinh tế phục hồi, chứng khoán Hàn Quốc là con cưng của nhà đầu tư."

Chứng khoán Hàn Quốc từ chỗ bị ghẻ lạnh trở thành 'con cưng' của quĩ đầu tư ngoại - Ảnh 2.

Chỉ số Kospi đi lên 0,6% hôm 24/11, đóng cửa ở mức cao kỉ lục ngày thứ hai liên tiếp. Kể từ đáy ngày 19/3, Kospi đã tăng gần 80%. Trong cùng khoảng thời gian này, chỉ số chứng khoán chính của Argentina nhảy vọt 127%.

Cái nhìn tích cực về chứng khoán Hàn Quốc đánh dấu sự thay đổi lớn về một thị trường đã đánh mất thiện cảm của nhà đầu tư từ trước đại dịch. Kospi bắt đầu bị tụt hậu so với các chỉ số châu Á khác từ năm 2017, khi thương chiến Mỹ-Trung nóng lên. Đến năm ngoái, chứng khoán Hàn Quốc nổi danh là cái bẫy giá trị với mức định giá P/E thấp hơn các cổ phiếu châu Á khác.

Nhà đầu tư ngoại bán ròng 24 tỉ USD cổ phiếu thuộc chỉ số Kospi từ tháng 1 cho đến hết tháng 10 năm nay. Nhưng dòng tiền ngoại đã bắt đầu quay trở lại trong tháng 11 với lượng mua ròng 6,7 tỉ USD, vượt xa lượng bán ròng 4,8 tỉ USD của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước.

Cú hích cuối năm

Hơn một nửa trong số 20 cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong tháng 11 ở Hàn Quốc là những cổ phiếu thuận chu kì, bao gồm Samsung Electronics, LG Chem, SK Hynix, Samsung SDI và S-Oil Corp. Những cổ phiếu này đều đã tăng giá ít nhất 20%.

Các nhà quan sát nói rằng sự phục hồi của kinh tế toàn cầu được kì vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng của chứng khoán Hàn Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc từ chỗ bị ghẻ lạnh trở thành 'con cưng' của quĩ đầu tư ngoại - Ảnh 3.

Một trong những điểm hấp dẫn của thị trường Hàn Quốc là nền kinh tế nước này không bị sụt giảm nhiều như một số láng giềng châu Á khác, ông Banny Lam, Giám đốc nghiên cứu thuộc công ty quản lí quĩ CEB International Investment cho biết.

GDP Hàn Quốc quí III/2020 tăng 1,9% so với quí liền trước. Trong quí I và II, GDP nước này giảm lần lượt khoảng 1% và 3%. Kinh tế Hàn Quốc được hỗ trợ nhờ xuất khẩu lên cao trong bối cảnh nhu cầu về chip và thiết bị điện tử tăng mạnh.

Mùa lễ hội cuối năm sẽ cung cấp thêm cú hích cho các cổ phiếu ngành điện tử của Hàn Quốc.

"Bây giờ, mua một chiếc TV Samsung mới rẻ hơn và an toàn hơn là đưa cả gia đình đi nghỉ mát", ông Max Gokhman, trưởng bộ phận phân bổ tài sản của Pacific Life Fund Advisors giải thích.

Timefoilo Asset Management, quĩ đầu cơ Singapore quản lí 100 triệu USD tin tưởng vào triển vọng của chứng khoán Hàn Quốc châu Á dựa trên nhận định rằng các trung tâm dữ liệu Mỹ sẽ khiến cho các gã khổng lồ công nghệ bận rộn. 

"Những cải tiến cơ bản trong chip nhớ sẽ tiếp tục thúc đẩy các cổ phiếu nặng kí trong chỉ số Kospi là Samsung Electronics và SK Hynix", Bloomberg dẫn lời CEO Jae Lee của Timefoilo cho biết. 

Giang

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.