Chứng khoán châu Á xuống đáy 6 tuần vì giá dầu, bầu cử Mỹ
Chỉ số MSCI khu vực châu Á Thái BÌnh Dương đi xuống sáng nay xuống mức thấp nhất trong 6 tuần. |
Mối quan ngại về bầu cử Mỹ của giới đầu tư vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán sau cuộc điều tra mới nhắm vào loạt email cá nhân của bà Clinton.
Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản giảm 0,14% trong những tiếng giao dịch đầu tiên, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/9. Trước đó, hôm qua thị trường chốt phiên cuối cùng của tháng 10 và là tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 5. Có một chỉ số đánh giá nỗi lo của nhà đầu tư là VIX. Hôm qua, chỉ số này lên cao nhất trong vòng một tháng.
Hôm nay, nhà đầu tư sẽ tập trung sự chú ý vào chỉ số PMI Trung Quốc và cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Còn ngày mai Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ có cuộc họp quan trọng đánh giá về việc điều chỉnh lãi suất.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11 tới vẫn tiếp tục là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến thị trường. Clinton vẫn đang là ứng viên có ưu thế hơn, tuy nhiên khả năng ông Trump chiến thắng vẫn khiến thị trường lưu tâm vì nó có thể ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao, thương mại và kinh tế Mỹ.
Chứng khoán Australia cũng chung xu hướng giảm sáng nay trước thềm cuộc họp của Ngân hàng trung ương nước này họp về lãi suất. Giới phân tích dự báo Australia vẫn sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5%.
Còn tại cuộc họp của Bank of Japan hôm nay, các chính sách tiền tệ có thể vẫn được duy trì khi kinh tế tiếp tục phục hồi khiêm tốn.
Trước đó, vào hôm qua, các chỉ số chứng khoán tại Phố Wall chung xu hướng đi xuống, với trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,1%, S&P 500 giảm 0,01%, Nasdaq giảm 0,02%.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar Index đi ngang trong sáng nay ở 98,41 điểm, sau nhiều ngày tăng liên tục kể từ tháng 9.
Về giá dầu, dầu thô CLc1 của Mỹ hiện ổn định quanh 47 USD một thùng sau khi giảm giá mạnh tới 4% hôm qua. Giá dầu Brent sáng nay cũng đang đi ngang ở 48,61 USD một thùng sau khi giảm 1,5% trong phiên giao dịch qua đêm.
Việc các thành viên OPEC chưa đạt được bất cứ thỏa thuận cụ thể nào về việc cắt giảm sản lượng, nhất là khi có tin Iran vẫn đang do dự không muốn tham gia thỏa thuận, khiến giá dầu lao dốc.