Chứng khoán châu Á đỏ lửa sau phiên bán tháo của Phố Wall, Thái Lan và Ấn Độ 'ngắt mạch' thị trường
Tại Thái Lan, toàn bộ giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan phải tạm ngừng vì chỉ số SET Composite Index giảm đến ngưỡng "ngắt mạch" 10%. Tương tự, chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ giảm chạm ngưỡng 10% và cũng phải tạm ngừng giao dịch giống như thị trường Thái Lan.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sụt hơn 8%, đầu phiên sáng có lúc chỉ số này mất 10%. Chỉ số Topix cũng lao dốc 7,2%.
Kết phiên hôm qua 12/3, Nikkei 225 đóng cửa ở mức 18.559 điểm, sụt hơn 20% từ đỉnh 52 tuần và rơi vào vùng thị trường gấu.
Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 giảm gần 6%. Hôm 11/3, chỉ số này đã rơi vào vùng thị trường gấu và sau đó giảm tiếp hơn 7% trong phiên 12/3. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 7,6% trong khi chỉ số Kodaq mất 11,6%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 5,3%.
Biến động một số chỉ số chứng khoán chính tại châu Á - Thái Bình Dương giữa phiên sáng 13/3. (Nguồn: CNBC)
Tên chỉ số | Mức điểm hiện tại | thay đổi (điểm) | Thay đổi (%) |
Nikkei 225 Index | 17.047,38 | -1.512,25 | -8,15 |
Hang Seng Index | 22.904,28 | -1.404,79 | -5,78 |
S&P/ASX 200 | 5.205,20 | -99,40 | -1,87 |
Shanghai | 2.826,37 | -97,11 | -3,32 |
KOSPI Index | 1.689,71 | -144,62 | -7,88 |
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index đầu phiên mất gần 6%, sau đó thu hẹp đà giảm còn khoảng 4,3%.
Chỉ số Straits Times Index của Singapore mất 4,9%, thị trường Malaysia và Jakarta giảm lần lượt 6,4% và 4,9%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục thuộc loại khá khẩm nhất khu vực khi chỉ số Shanghai Composite, Shenzhen Component và Shenzhen Composite đều chỉ giảm khoảng 3%.
Tính chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á ngoại trừ Nhật Bản giảm 4,7%.
CNBC dẫn lời ông Kim Mundy – Chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank of Australia nhận định: "Hệ thống tài chính toàn cầu đã rơi vào hỗn loạn. Nguyên nhân các thị trường biến động dữ dội là các nhà đầu tư thiếu lòng tin vào khả năng chính phủ có kế hoạch đúng đắn để kiểm soát dịch COVID-19 và hạn chế tác động kinh tế của dịch này".
Một nhà phân tích của JP Morgan Asset Management thì nhận xét: "Các nhà đầu tư đang tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ tức thời từ các chính phủ và ngân hàng trung ương. Tuy nhiên sự lan rộng của virus corona đã vượt xa khả năng phản ứng nhanh của các chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế và xã hội gần như chưa thấy bao giờ".
"Như những gì từng xảy ra ở Trung Quốc và một số nước châu Á khác, chính sách đúng đắn để kiểm soát dịch bệnh sẽ gây ra nhiều đau đớn khổ sở trong ngắn hạn. Nhà đầu tư sẽ trải qua những đau đớn này trong vài tuần tới ở Mỹ và châu Âu".
Cổ phiếu các hãng hàng không bị bán tháo mạnh trong bối cảnh hành khách dừng mọi chuyến đi không cần thiết vì sợ lây nhiễm dịch COVID-19. Trong phiên hôm nay 13/3, cổ phiếu Qantas Airways của Australia sụt 8,8%; ANA Holdings và Japan Airlines giảm lần lượt 9,3% và 12,9%; Korean Air Lines của Hàn Quốc cũng mất hơn 10%.
Phiên giao dịch đêm qua 12/3, thị trường chứng khoán Mỹ cắm đầu lao dốc khi các tuyên bố của Tổng thống Trump và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đều không thể làm yên lòng nhà đầu tư đang lo lắng về tác động kinh tế của dịch COVID-19. Các chỉ số chính có phiên giảm mạnh nhất kể trong 33 năm trở lại đây.
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 2.352,6 điểm, tương đương 9,99% và đóng cửa ở 21.200 điểm. Tính theo tỉ lệ %, đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ "Ngày thứ Hai đen tối" 19/10/1987 khi Dow Jones sụt trên 22,6%.
Chỉ số S&P 500 giảm 9,51% và gia nhập vào "câu lạc bộ thị trường gấu" cùng với chỉ số Dow Jones. Đây cũng là phiên giảm sâu nhất của S&P 500 kể từ năm 1987.