|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chưa đến 0,1% doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ

15:27 | 03/12/2016
Chia sẻ
Thủ tướng cho rằng, trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn của cách mạng công nghiệp lần thứ 2, chủ yếu là dây chuyền gia công lắp ráp. Trong đó, số doanh nghiệp khoa học công nghệ của Việt Nam chưa đến 0,1% tổng số doanh nghiệp.
chua den 01 la doanh nghiep khoa hoc cong nghe
Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Zing.

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại đại hội toàn quốc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra hôm nay (3/12).

Thủ tướng nhận định, doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động khi chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, 40% GDP.

Tuy vậy, theo nhìn nhận của Thủ tướng, trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặc trưng bởi công nghệ cao, máy móc hiện đại, nền tảng công nghệ xanh.. thì Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn công nghiệp lần thứ 2, chủ yếu là dây chuyền gia công lắp ráp.

Người đứng đầu Chính phủ đưa ra ví dụ, ngành dệt may, da giày, khai khoáng vẫn tự bằng lòng với cách phát triển dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại thấp.

Ước tính Việt Nam chỉ có chưa đến 0,1% doanh nghiệp khoa học công nghệ trong tổng số doanh nghiệp. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu trong khi tại Ấn Độ tỉ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực của mình, để tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp để tiếp cận cơ hội và đối phó với thách thức. Mặc khác, người đại diện Chính phủ cũng yêu cầu chính hiệp hội và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải phát hiện những nhân tố mới, đề xuất cải cách cơ chế chính sách để tham mưu cho Nhà nước.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chiếm lĩnh thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu và vươn ra biển lớn. Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu thực sự về tiêu thụ nội địa. Đó chính là động lực thay đổi nền kinh tế. "Cần tạo điều kiện thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh toàn cầu", Thủ tướng nhận xét.

Tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu là mục tiêu khác Thủ tướng gợi y cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo một khảo sát, hiện nay chỉ có khoảng 21% DNNVV của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%.

"Cho dù những cái bắt tay giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và tập đoàn đa quốc gia có thể ví như cuộc chơi của người bé nhỏ với gã khổng lồ nhưng đó chính là con đường ngắn nhất, tốt nhất để doanh nghiệp chúng ta lớn nhanh và ghi tên mình vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu", Vị đại diện Chính phủ nói.

Thủ tướng cũng cho rằng, vai trò quan trọng khác của doanh nghiệp vừa và nhỏ là góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn ở nước ta.

Vì vậy, phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng cam kết tạo ra một môi trường bình đẳng và minh bạch để doanh nghiệp vừa và nhỏ có đầy đủ cơ hội để phát triển và thành công.

"Môi trường kinh doanh bình đẳng không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn cần bình đẳng ngay trong mỗi khu vực, nhất là khu vực kinh tế tư nhân", Thủ tướng khẳng định.

Thái Hoàng