|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chưa đầy một thập kỷ, hơn 19.000 quy hoạch ra đời

18:07 | 09/11/2016
Chia sẻ
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu như thời kỳ 2001-2010, số quy hoạch được lập là 3.114 thì đến thời kỳ 2011-2020 số lượng quy hoạch phải lập lên tới 19.285 bản quy hoạch các loại (tăng gấp 6 lần). Nhiều dự án được xác định “ưu tiên đầu tư” trong quy hoạch bị “treo”, không được triển khai thực hiện hoặc chậm triển khai .
chua day mot thap ky hon 19000 quy hoach ra doi

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật quy hoạch (ảnh: Quochoi.vn)

Chỉ cần xây dựng đề án, chương trình... là thành quy hoạch

Sáng nay (9/11), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình dự án Luật quy hoạch.

Nói về sự cần thiết của dự luật này, ông Dũng cho biết, hiện nay, tình trạng lập quy hoạch quá nhiều, nhưng không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng. Thời kỳ 2001-2010, số quy hoạch được lập là 3.114 thì đến thời kỳ 2011-2020 số lượng quy hoạch phải lập là 19.285 bản quy hoạch các loại (tăng gấp 6 lần).

Từ “quy hoạch” thường xuyên bị lạm dụng, nhiều ngành, lĩnh vực chỉ cần xây dựng các đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý và đưa ra những dự báo, định hướng, chính sách phát triển cũng được lập thành quy hoạch gây lãng phí nguồn lực. Nhiều quy hoạch vùng được lập nhưng không rõ đối tượng quản lý, không quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện nên không thể triển khai thực hiện được.

Bên cạnh đó, lại có nhiều quy hoạch được phê duyệt nhưng không được triển khai thực hiện do thiếu sự chỉ đạo, điều hành kiên quyết của các cấp, các ngành hoặc do thiếu cơ quan trực tiếp quản lý, điều hành. Vì thế, nhiều dự án được xác định “ưu tiên đầu tư” trong quy hoạch bị “treo”, không được triển khai thực hiện hoặc chậm triển khai .

Chính vì vậy, Chính phủ cho rằng, việc ban hành Luật quy hoạch là cần thiết và cấp bách hiện nay để khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch.

Góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng nay (9/11) về dự án luật này đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, ông Phan Đình Trạc chia sẻ, ông lo ngại nhất là chất lượng và tính ổn định của quy hoạch, bên cạnh đó là tính thuân thủ quy hoạch để quy hoạch không bị thường xuyên điều chỉnh.

"Quy hoạch phải đảm bảo tính chất lượng và ổn định nhưng cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường. Hôm nay giá cao su lên thì người dân thi nhau trồng cao su, hôm nay giá sắn xuống thì phá bỏ không trồng sẵn nữa... Vấn đề là người làm quy hoạch phải đảm bảo được chất lượng của quy hoạch, phải đảm bảo được sự ổn định, tính lâu dài", ông Trạc nói.

Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương nói, để quy hoạch có chất lượng thì bản thân người lập quy hoạch phải có trách nhiệm và có tầm tư duy, bên thẩm định phải chặt chẽ, chứ không phải là trình ra một tập hồ sơ dày không ai "soi" hết được, trình lên cấp trên ký rồi đến khi đi vào thực tế mới "vỡ lẽ" ra quy hoạch bất hợp lý, vướng ngược vướng xuôi.

Lập quy hoạch lấy ý kiến rộng rãi, sửa quy hoạch thì không ai biểt?

Ông Phan Đình Trạc cũng cho rằng, dù có quy hoạch có dài hơi đến mấy thì cũng có khi phải thay đổi, không thể bảo thủ, nhưng quan trọng nhất là điều chỉnh quy hoạch phải chặt chẽ chứ không phải là điều chỉnh một cách tùy tiện - đây là vấn đề rất nguy hiểm.

Đặt vấn đề về tính tuân thủ quy hoạch, ông Trạc kể lại: "Quy hoạch Thành phố Vinh được các kiến trúc sư Cộng hòa Dân chủ Đức thiết kế, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt thì sẽ không thể giữ được như ngày nay. Chỉ cần một cái nhà xây sai quy hoạch thì ngay lập tức bị phản ánh chứ không phải là cứ để xây dựng một cách lộn xộn, xây xong rồi thì không đập bỏ được. Quan trọng là phải có bản lĩnh của người quản lý và sự tuân thủ của người dân".

Cùng quan điểm trên, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhận xét, dự luật của có quy định cụ thể việc điều chỉnh quy hoạch, mà theo ông Phớc đây là một trong những điểm quan trọng nhất trong vấn đề quy hoạch.

"Nếu quy hoạch được phê duyệt rồi mà không quy định về điều chỉnh thì sẽ không còn ý nghĩa gì", ông Phớc bình luận. Theo vị đại biểu, nếu để việc điều chỉnh quy hoạch xảy ra thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề quản lý. Đơn cử như quy hoạch đô thị, nếu không có quy định chặt chẽ trong luật thì sau khi quy hoạch được phê duyệt, người có thẩm quyền lại phê duyệt điều chỉnh khác đi.

"Trong khi để quy hoạch được phê duyệt thì phải trình lấy ý kiến rộng rãi nhưng khi điều chỉnh quy hoạch thì không ai biết. Chỉ cần doanh nghiệp đề nghị thì người có thẩm quyền phê duyệt, cho điều chỉnh xây khách sạn, trung tâm thương mại vào công viên, khu vui chơi giải trí, là mầm mống gây tắc đường, rối loạn giao thông. Lúc đó xử lý thế nào?", Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu ý kiến.

Do vậy, theo ông cần phải quy định rõ trong Luật về điều chỉnh quy hoạch, phải yêu cầu chấp hành các thủ tục, trình tự thẩm định một cách chặt chẽ, tránh chuyện tùy tiện điều chỉnh và làm trái. Ngoài ra, vị đại biểu cũng đề xuất phải đưa nội dung "điều chỉnh trái quy hoạch" vào nội dung cấm.

Góp ý kiến về dự luật này, đại biểu Hứa Văn Nghĩa (Trà Vinh) cho rằng, quy hoạch mà không tính đến quốc phòng, an ninh thì một khi đã sai sẽ không điều chỉnh được, ảnh hưởng đến tồn vong của quốc gia.

Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh đánh giá, không thể nêu chung chung như trong dự luật về cơ quan thẩm định quy hoạch. Theo đó, vị đại biểu đề nghị, hội đồng thẩm định dứt khoát phải có chỉ huy trưởng quân đội, công an tham gia, không để tái diễn tình trạng có những quy hoạch "nhạy cảm" mà công an, quân đội không hề biết.

Bích Diệp