|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch VinaCapital hiến kế giải quyết những điểm nghẽn của thị trường bất động sản

19:40 | 17/12/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Quỹ VinaCapital cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang gặp nhiều vấn đề liên quan đến thanh khoản, vốn vay, giải phóng mặt bằng,... Tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5 ông Don Lam đã đề xuất loạt giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5 chiều 17/12, ông Don Lam, Chủ tịch Quỹ VinaCapital cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản lành mạnh, không giống như Trung Quốc, nơi các công ty bất động sản sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính và có tình trạng xây dựng quá mức ồ ạt.

Ngoài ra, nhu cầu các sản phẩm nhở tại Việt Nam vẫn rất lớn. Tuy nhiên, các công ty bất động sản không có vốn để hoàn thành dự án.  

Ông Don Lam, Chủ tịch Quỹ VinaCapital. (Ảnh: Ban Tổ chức)

Theo vị này, các công ty bất động sản Việt Nam hiện vẫn khủng hoảng thanh khoản vì ba nguyên nhân. Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ và kiềm chế lạm phát. 

Nguyên nhân thứ hai các ngân hàng được khuyến khích cho người mua nhà vay thay vì cho các công ty bất động sản vay. 

Nguyên nhân cuối cùng là các công ty BĐS ở Việt Nam vay ngắn hạn (khoảng 2 năm) cho các dự án dài hạn và việc tái cấp vốn cho các khoản nợ đó đôi khi có thể khó khăn.

“Chúng tôi tin rằng việc giải quyết các vấn đề số 1 và số 2 ở trên là tương đối dễ dàng, và có thể giúp thị trường bất động sản trở lại hoạt động bình thường trong vòng 6 tháng tới. Giải quyết vấn đề số 3 là cần thiết để đảm bảo sức khỏe lâu dài của thị trường tài chính và thị trường bất động sản”, ông Don Lam nói.

Đại diện của VinaCapital để xuất ba giải pháp giúp giải quyết thanh khoản cho các công ty bất động sản tại Việt Nam. 

Đầu tiên là giúp các công ty bất động sản dễ dàng tiếp cận tín dụng ngân hàng bằng cách giảm đánh giá rủi ro lĩnh vực này hoặc thông qua cho vay trực tiếp.

Thứ hai, là nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách bơm tiền vào thị trường tiền tệ hoặc mua dự trữ ngoại hối. Đồng Việt Nam đã mạnh lên đáng kể trong thời gian gần đây và lạm phát đang được kiểm soát, điều này tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ.

Giải pháp cuối cùng, theo ông Don Lam, là thành lập quỹ/chương trình cứu trợ, tương tự như một vài quốc gia khác. Theo ông, đây là bước mạnh nhất và kịp thời nhất mà Chính phủ có thể làm. 

"Vốn dài hạn rất cần thiết cho các dự án xây dựng nhưng các công ty bất động sản hiện chỉ có thể vay tiền trong ngắn hạn. Cần phê duyệt hay từ chối một dự án kịp thời hơn để các công ty bất động sản có thể sản lập kế hoạch dòng tiền của họ một cách hợp lý”, ông nói. 

Về dài hạn, ông cho rằng thị trường bất động sản vẫn còn gặp vấn đề như chậm tiến độ, quy trình duyệt dự án chậm, các công ty không có khả năng tiếp cận vốn dài hạn, bồi thường đất đai còn nhiều tồn tại.

Do đó, ông đề xuất các giải pháp dài hạn để cải thiện thị trường bất động sản. Đối với với vấn đề bồi thường đất đai, có thể được giải quyết bằng cách đánh thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán cho người mua cuối cùng thay vì công ty bất động sản trả phí cố định để quy hoạch phân khu sử dụng làm khu dân cư, thương mại, công nghiệp.

Với các vấn đề dự án chậm tiến độ có thể bán đấu giá quyền phát triển đất thô thành sản phẩm bất động sản, với yêu cầu quyền phát triển phải được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Giải pháp này cũng sẽ thúc đẩy quy trình phê duyệt dự án.

Quá trình phê duyệt dự án chậm thì cần cải tiến các bước cần thiết trong quá trình xử lý quy hoạch phân khu, quy trình phê duyệt; cần xác định mốc thời gian phê duyệt, từ chối các dự án kể từ ngày nộp đơn.

Về vốn dài hạn, theo ông Don Lam, đây là điều rất cần thiết cho các dự án xây dựng với “đất đã giải phóng mặt bằng”, nhưng các công ty bất động sản hiện chỉ có thể vay tiền trong ngắn hạn.

Do đó, cần phê duyệt hay từ chối một dự án kịp thời hơn để các công ty bất động sản có thể sản lập kế hoạch dòng tiền của họ một cách hợp lý.

H.Mĩ