|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch SMC nhận định thị trường BĐS năm 2017 u ám, quý 1 lãi 105 tỷ

22:10 | 01/04/2017
Chia sẻ
Sáng ngày 01/04/2017, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên để thông qua kế hoạch lợi nhuận 150 tỷ đồng, bằng 41% thực hiện năm 2016. 

Quý 1 lãi 105 tỷ, kế hoạch cả năm 2017 là 150 tỷ

Năm 2017, ông Ngọc Anh đánh giá thị trường bất động sản đầu năm mờ mịt, u ám. Mặc dù nhìn có vẻ sôi động khi trong nước và ngoài nước đều nhảy vào nhưng GDP quý đầu năm tăng thấp, thị trường bất động sản tăng trưởng âm.

Mặc khác, tình hình thép năm 2016 quá tốt, doanh nghiệp nào nhảy vào làm đều có lãi. Do vậy, nhà nhà đầu tư, người người đầu tư sẽ khiến cho lượng cung tăng mạnh, điển hình như việc triển khai các siêu dự án thép Cà Ná hay Dung Quất. Điều này sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh và giành giật thị trường quyết liệt hơn. Tâm lý các nhà sản xuất thép là bán trực tiếp cho người tiêu dùng cho nên hoạt động thuần túy thương mại sẽ cực kỳ khó khăn.

Thêm vào đó là hoạt động bảo hộ và tự vệ thương mại đối với ngành thép tại nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng. Đồng thời, việc gia tăng bảo hộ sẽ làm cho một số đơn vị sản xuất trong nước thuận lợi hơn, trong khi các đơn vị thuần kinh doanh thương mại sẽ ngày càng khó tìm kiếm lợi nhuận.

chu tich smc nhan dinh thi truong bds nam 2017 u am quy 1 lai 105 ty
Đại hội đồng cổ đông thường niên của SMC (Ảnh: NDH)

Dẫu vậy, giá thép tại thời điểm đầu năm 2017 đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nguyên nhân là do giá nguyên liệu đầu vào như than, quặng tăng rất mạnh, ông Ngọc Anh cũng cho biết hiện Công ty đang có tồn kho cả về lượng và giá ở mức hợp lý nên xu hướng giá tăng này đem lại khá nhiều thuận lợi. Song cũng cần cẩn trọng và lưu ý động thái đảo chiều nhất là kể từ quý 2/2017, nhìn chung ngành thép là ngành biến động khó lường do phụ thuộc nhiều vào nước ngoài về giá cả.

Theo đó, năm 2017, HĐQT đưa ra kế hoạch tổng sản lượng tiêu thụ tương đương năm trước ở mức 1.050.000 tấn, trong đó thép xây dựng là 570.000 tấn, thép tấm lá mạ 380.000 tấn, thép ống hàn 25.000 tấn và thép khác 75.000 tấn. Tổng doanh thu bán hàng 10.550 tỷ đồng, tăng trưởng 11% và lãi sau thuế 150 tỷ, bằng 41% thực hiện năm 2016.

Riêng quý 1, ông Ngọc Anh cũng có chia sẻ sản lượng tiêu thụ theo tính toán sơ bộ là 257.000 tấn, vượt kế hoạch quý khoảng 4%; lợi nhuận sau thuế khoảng 105 tỷ. Kết quả đạt được tốt là do dư âm của năm 2016 có chuẩn bị hàng hóa tồn kho giá cả hợp lý.

Giải đáp hoài nghi của cổ đông về kế hoạch lãi 150 tỷ có quá thận trọng không khi riêng quý 1 đã tạo ra 105 tỷ đồng. Ông Ngọc Anh khẳng định giá thép hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới nên rất khó nắm bắt được, kết quả kinh doanh quý 1 đạt tốt nhờ giá vẫn tăng và tồn kho được lượng hàng hợp lý nhưng chưa biết được giá thép quay đầu khi nào (dự báo là tháng 5 hay 6 sẽ giảm nhưng hiện tại đã manh nha giảm) nên kế hoạch kinh doanh 150 tỷ là có thận trọng, có cân nhắc.

Về kế hoạch đầu tư, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh một dây chuyền tẩy và một dây chuyền mạ khổ 700 m/m với tổng đầu tư 130 tỷ đồng tại SMC Cơ Khí. Ông Ngọc Anh chia sẻ đây là dự án mà sau 1 năm theo đuổi dự án SMC mới được tỉnh Bà Rịa cho phép xây dựng bởi liên quan đến vấn đề môi trường. Công ty còn đầu tư thêm một trong ba khâu tẩy, ép, mạ nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hợp lý, dự kiến tháng 7/2017 sẽ đi vào hoạt động.

Cho đến cuối năm 2016, Công ty vẫn còn bị bức bách là kho không đủ chứa hàng nên năm 2017 sẽ tìm kiếm mặt bằng mới với quy mô diện tích từ 3-5 ha để xây dựng nhà xưởng và kho hàng.

Đối với nhà máy liên doanh ống thép SENDO, đầu tư phát triển giai đoạn 2 với nguồn vốn tự cân đối từ vốn tích lũy và vay tín dụng ngân hàng. Quy mô đầu tư nhà xưởng từ 12.000 – 13.000 m2, máy hàn cuốn ống từ 6-7 đơn vị, nâng công suất hoạt động lên gấp đôi so với hiện tại. Dự kiến đạt mức sản xuất khoảng 10.000 – 12.000 tấn/tháng vào giữa năm 2018, đáp ứng sản lượng đầu ra của phân xưởng tẩy – ép – mạ từ SMC Cơ Khí.

Ngoài ra, tại Đại hội, HĐQT trình cổ đông phương án mở rộng nhà máy gia công các sản phẩm sau thép – CTCP Thép SMC Phú Mỹ tổng đầu tư 350 tỷ đồng gồm 200 tỷ vốn tự có và 150 tỷ vốn vay. Thời gian đầu tư là 2017 – 2018.

Bài toán khó cổ tức và nguồn

Năm 2016, toàn hệ thống SMC đạt được mức tiêu thụ trên 1 triệu tấn thép các loại, tăng nhẹ 3,8% so với năm trước; nhưng mặt bằng giá bán bình quân thấp hơn năm trước nên tổng doanh thu thuần chỉ đạt 9.441 tỷ đồng, giảm 6%. Song lợi nhuận sau thuế tăng cao đạt 362 tỷ đồng trong khi năm 2015 còn lỗ lớn gần 200 tỷ đồng.

Nguyên nhân là nhờ hưởng lợi từ xu hướng hồi phục giá nhanh và mạnh hơn dự kiến, biên lợi nhuận gộp đạt mức 7,7% so với mức 1,4% của năm trước. Biên lợi nhuận tốt, Công ty có dòng tiền mạnh, thời gian thu hồi tiền hàng quay vòng, tận dụng thời gian lệch pha giữa thu tiền hàng và trả nợ để tối ưu hóa dòng tiền, qua đó doanh thu tài chính tăng 22,5% so với năm trước. Đồng thời, chi phí lãi vay ngân hàng giảm mạnh một phần do tỷ giá USD tương đối ổn định và một phần là nhờ lãi suất vay thấp dù tổng tiền vay tăng lên.

Mặt khác, ông Ngọc Anh cho biết trong năm Công ty đã chuyển sang tập trung cho mặt hàng có biên lợi nhuận cao hơn là thép xây dựng. Năm 2015, SMC lỗ nặng vì thép tấm, thép lá nhưng năm 2016 lại lãi đậm nhờ mặt hàng này.

Tại Đại hội, nhiều cổ đông đưa ra ý kiến rằng năm vừa qua Công ty đã đạt được kết quả kinh doanh rất tốt thì nên tăng mức cổ tức cho cổ đông. Đồng thời, năm 2017 đã quyết định điều chỉnh tăng lợi nhuận từ 80 tỷ lên 150 tỷ đồng thì có nên tăng mức cổ tức 2017 cho cổ đông.

Ông Ngọc Anh trải lòng mỗi lần chia cổ tức là cần đau đầu cân đối, tuy con số lợi nhuận cao nhưng nguồn không có vì phải ưu tiên nhiều thứ khác. Năm 2015 lỗ lớn, HĐQT còn không được hưởng lương nói gì cổ đông có cổ tức, năm 2016 lãi lớn nhưng phải bù đắp thiệt hại năm trước, trích nhiều quỹ và trả cổ tức 15% cho cổ đông (10% đã chia và 5% trình tại Đại hội để được thông qua) là còn lại có 38,7 tỷ đồng. Còn cổ tức năm 2017 là tối thiểu 8% chứ chưa chốt ở mức 8%.

Ngọc Điểm