|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Nếu dịch chuyển màu cam, TP HCM sẽ siết chặt hoạt động

21:09 | 12/11/2021
Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định cần thích ứng an toàn, độ mở của các hoạt động kinh tế, xã hội tùy thuộc vào tình trạng dịch bệnh. Nếu dịch chuyển thành màu cam, màu đỏ thì các hoạt động phải giảm đi.

Sau hơn một tháng gỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội, số ca nhiễm COVID-19 tại TP HCM tiếp tục gia tăng. Tính từ 16h ngày 11/11 đến 16h ngày 12/11, TP HCM ghi nhận 1.388 trường hợp nhiễm mới.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết việc F0 gia tăng nằm trong dự kiến của thành phố vì khi mở cửa, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại nhiều hơn. 

Trước băn khoăn của doanh nghiệp liệu rằng Thành phố có siết chặt khi dịch bệnh gia tăng, ông Mãi cho biết tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ đã khẳng định rất rõ là phải thực hiện thích ứng an toàn. Do vậy, độ mở của các hoạt động kinh tế, xã hội tùy thuộc vào tình trạng dịch bệnh. 

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Nếu dịch chuyển màu cam, TP HCM sẽ siết chặt hoạt động - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. (Ảnh: Thanh niên).

"Nếu dịch giảm xuống, màu xanh mở rộng hơn thì hoạt động được mở nhiều hơn, còn nếu vàng lên, hoặc chuyển thành màu cam, màu đỏ thì hoạt động phải giảm đi", ông cho biết.

Tại buổi làm việc với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, Trưởng BQL KCX-KCN Hứa Quốc Hưng cho biết hiện nay hầu hết doanh nghiệp đã kết thúc "3 tại chỗ" và thay thế phương thức sản xuất an toàn, 96% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Đồng thời, các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi với các tín hiệu tích cực và đang tăng dần quy mô. Hiện các khu công nghiệp - khu chế xuất thiếu khoảng 5.700 lao động (20%) chủ yếu tập trung ngành cơ khí, dệt may, da giày, ...

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định TP luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn thích ứng mới. Ông yêu cầu Ban quản lý cần rà soát số doanh nghiệp còn lại để phân tích, từ đó có giải pháp hỗ trợ.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cũng đề nghị TP Thủ Đức phối hợp với Ban quản lý KCX-KCN và các doanh nghiệp nghiên cứu quỹ đất trống để xây nhà ở xã hội, khu lưu trú cho công nhân để từ đó đảm bảo an toàn phòng dịch, ổn định đời sống và yên tâm lao động.

Về tiến độ tiêm vắc xin, Sở Y tế TP HCM cho biết từ nay đến cuối năm, TP cần hơn 1 triệu liều vắc xin tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm vét mũi 1, trong đó hơn 696.000 liều AstraZeneca, hơn 60.000 liều Pfizer và hơn 264.000 liều Vero Cell; hơn 2,9 triệu liều vắc xin cho trẻ em (hơn 1,2 triệu mũi 1 và hơn 1,7 triệu mũi 2). 

Đáng chú ý, trong năm 2022, TP HCM sẽ xây dựng kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân trên địa bàn (6 tháng/mũi) với số lượng cụ thể hơn 18 triệu liều (hơn 14,4 triệu liều với người trên 18 tuổi, nhóm từ 12-17 tuổi là hơn 1,5 triệu liều, nhóm từ 3-11 tuổi là hơn 2,1 triệu liều (nhóm tuổi này chưa được Bộ Y tế cấp phép tiêm chủng).

Diệp Bình