Chủ tịch MB kiến nghị Chính phủ sớm duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc
Kiến nghị được ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Ngân hàng Quân đội (MB), nêu tại hội nghị ngành ngân hàng ngày 8/1.
"Năm 2023, chúng tôi đã phối hợp với ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, giúp đơn vị này cải thiện hiệu quả kinh doanh, góp phần giảm lỗ lũy kế cũng như hoàn thành kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao", Chủ tịch MB cho biết.
Cụ thể, lãnh đạo MB nói đã thành lập Ủy ban điều hành hỗn hợp, thỏa thuận hợp tác toàn diện để chuyển giao mô hình kinh doanh, cấp tín dụng hợp vốn 2.000 tỷ đồng và ủy thác cho vay hơn 60.000 tỷ đồng với nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Bên cạnh đó, MB cũng hỗ trợ củng cố công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống công nghệ cơ bản và cử nhân sự hỗ trợ nhà băng này.
Ông Lưu Trung Thái nói MB đã hoàn thành phương án nhận chuyển giao và đề xuất được Chính phủ phê duyệt phương án này trong quý I/2024.
Lãnh đạo MB hôm nay vẫn không đề cập danh tính nhà băng sẽ nhận chuyển giao bắt buộc. Tuy nhiên, hồi tháng 4 năm ngoái, một lãnh đạo đơn vị này hé lộ một số thông tin cơ bản về chất lượng tài sản của đơn vị đó như lỗ lũy kế khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 47%. Không loại trừ khả năng đơn vị này là Oceanbank - nhà băng mua lại 0 đồng với lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ.
5 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt | Năm kiểm soát đặc biệt |
Lỗ lũy kế (Tỷ đồng) |
Ngân hàng Sài Gòn (SCB) | 2022 | 464.000 |
Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) | 2015 | 31.000 tỷ đồng (Năm 2019) |
Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) | 2015 | 18.000 tỷ (Năm 2019) |
Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) | 2015 | N/A |
Ngân hàng Đông Á (DongABank) | 2015 | N/A |
Tại hội nghị sáng nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhìn nhận việc định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc là chưa có tiền lệ, nhưng đến nay "cơ bản đã hoàn thành", tạo cơ sở cho việc hoàn tất phương án chuyển giao chi tiết thời gian tới.
Việc nhận chuyển giao bắt buộc theo lãnh đạo MB không yêu cầu ngân hàng phải bỏ tiền, do đây là đơn vị yếu kém trong diện tái cơ cấu đã được mua lại 0 đồng. Để xử lý khoản lỗ lũy kế 20.000 tỷ đồng, MB cho biết biện pháp quan trọng nhất là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, khi MB nhận chuyển giao sẽ được vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu, được phép tăng trưởng quy mô cao hơn, hỗ trợ ngân hàng nhận chuyển giao bằng việc chuyển một số khoản tín dụng chất lượng tốt.
Nếu tái cơ cấu không thành công, MB không thể trả lại "ngân hàng 0 đồng" cho Nhà nước nhưng có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần. Còn nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng đó có thể sáp nhập vào MB giúp quy mô tài sản của MB tăng lên.
Kiểm soát đặc biệt ngân hàng là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.