Chủ tịch HUBA: Lãi suất cho vay trên 10% thì doanh nghiệp 'không có cửa' để đầu tư
Câu chuyện vốn trong nền kinh tế là chủ đề đang được nhắc đến nhiều trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Tại tọa đàm “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 6/2, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) đã nêu một số kiến nghị.
Theo ông, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa trong việc tiếp cận vốn. Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư. Do đó, cần vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng tới để đưa lãi suất dài hạn xuống nhằm kích thích đầu tư.
"Chúng ta đều biết, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi cho nhân viên, cổ đông,... nhưng nên có sự đồng hành chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp.
Hiện nay, doanh nghiệp đang sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá bất động sản giảm, tỷ lệ giải ngân trên giá trị bất động sản giảm thì nguồn vốn cho doanh nghiệp vay rất thấp. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay nhưng cả hai giá trị bị kéo xuống, tỷ lệ giải ngân cũng bị kéo xuống, buộc họ phải bổ sung tài sản thế chấp, thực tế này đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp", ông Hòa cho hay.
Cũng theo Chủ tich HUBA, giai đoạn 2016 - 2020, TP HCM có chương trình cho vay kích cầu đầu tư hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, chương trình bị dừng. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong TP nối lại chương trình này để hỗ trợ vốn kích cầu đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm và các lĩnh vực giáo dục, môi trường,...
Ông Hòa cho rằng, không chỉ ngành bất động sản mà nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng đang gặp khó khăn. Nếu muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam thì phải "dọn dẹp nhà" cho sạch sẽ. Đơn cử như các khu công nghiệp của phải đạt chuẩn sinh thái, đạt chuẩn xanh – bền vững để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.
Do đó, ông kiến nghị Nhà nước có những chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững.
Đơn cử, ngành may mặc tại Việt Nam đang thiếu đơn hàng trong khi Banglades dư thừa đơn hàng vì tất cả các khâu của họ đã đạt tiêu chuẩn xanh. Chính phủ cần hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi để họ vượt qua khó khăn giai đoạn này và hướng tới chu kỳ phát triển tiếp theo.
Cuối cùng, theo ông Hòa bên cạnh nguồn lực vốn thì nguồn lực đất đai cũng rất quan trọng. Cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn cho nguồn lực đất đai vì đó là nguồn lực có vai trò mở đường để khơi thông nguồn vốn.
Về phía ngân hàng, ông Trần Anh Quý, Trưởng Phòng Tín dụng chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng - NHNN cho rằng, ngành ngân hàng giống như người "bơm nước" từ hồ vào thửa ruộng khô cằn nhưng việc dẫn nước từ hồ vào thửa ruộng không chỉ là trách nhiệm riêng của ngân hàng mà còn là của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Ông Quý thông tin, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01, ngành ngân hàng lập tức ban hành Chỉ thị 01 ngày 17/1/2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2023.
Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Các ngân hàng đã triển khai rất nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để vượt qua giai đoạn khó khăn.