Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Xuất khẩu cá tra quí I có thể tăng nhưng không quá mạnh
Sau một năm thành công (2018), năm 2019 ngành cá tra Việt Nam phải đối diện với "cơn bão" giá. Theo đó, giá cá tra liên tục lao dốc, thậm chí xuống dưới mức giá thành sản xuất.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 11, giá cá tra giảm tới hơn 10.000 đồng/kg, tương đương 36%, xuống chỉ còn 19.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra năm nay giảm hơn 10% so với năm 2018. Để làm rõ hơn về triển vọng xuất khẩu cá tra trong quí I/2020, người viết đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng xuất khẩu cá tra trong quí I?
Tình hình tiêu thụ cá tra thời gian qua khó khăn do thị trường xuất khẩu truyền thống giảm mạnh, đặc biệt là Mỹ. Duy chỉ có thị trường Hong Kong - Trung Quốc là điểm sáng dẫn đầu trong nhóm thị trường lớn.
Tuy nhiên, dự kiến trong tháng 2, Mỹ sẽ công bố kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 kèm theo. Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam.
Đây được xem là tín hiệu tốt để khôi phục xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp thì mức độ phục hồi như nào vẫn chưa thực sự rõ nét.
Do trong giai đoạn 2017 - 2018 lợi nhuận cao, dẫn đến sang năm 2019 các hộ nuôi và doanh nghiệp tập trung tăng sản lượng. Tổng sản lượng cá tra trong năm 2019 khoảng 1,5 triệu tấn. Nguồn cung cao hơn nhu cầu nên gây áp lực lên giá. Việt Nam phát triển ổ ạt sản lượng nên dẫn đến tình trạng khó khăn keo dài như vậy.
Các doanh nghiệp chưa tiết lộ về tồn kho trong nước và ở các kho nước ngoài như nào. Nhưng nếu hàng tồn kho còn ít và nguồn cung thiếu thì chắc chắn giá cá tra nguyên sẽ cao chứ không thấp như bây giờ chỉ khoảng 19.000 - 20.000 đồng/kg.
Do đó, trong quí I với những tín hiệu tịch từ hai thị trường Trung Quốc và Mỹ thì xuất khẩu cá tra có thể tăng nhưng mức độ tăng có lẽ chưa nhiều.
Vì vậy, doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cần liên kết với nhau. Tránh tình trạng “mệnh ai người đó bán”, liên tục xả kho với bất cứ giá nào khiến giá cá tra ngày càng xuống thấp.
Ngoài ra, việc liên kết giữa các vùng nuôi cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp hạn chế việc ồ ạt, gây nên tình trạng dư cung.
Thị trường Trung Quốc đang dần bước vào dịp Tết Nguyên Đán, ông đánh giá thế nào về khả năng nhu cầu ở thị trường này sẽ tăng mạnh trong quí I?
Lượng tiêu thụ cá tra ở thị trường Trung Quốc vốn đã khởi sắc từ cuối năm ngoái. Bước sang năm nay, đặc biệt là dịp giáp Tết, nhu cầu ở thị trường này sẽ vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ giá cá tra xuất khẩu sang thị trường này lại rất thấp.
Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu ở Đồng Bằng Sông Cửu Long lại đang ở mức dưới giá thành sản xuất, gây áp lực cho người dân và doanh nghiệp. Người Trung Quốc đang nắm rất chắc doanh nghiệp còn rất nhiều hàng. Do đó họ không dại gì mà mua với giá cao.
Thêm vào đó, hiện nay, Trung Quốc đã bắt đầu nuôi được cá tra, thậm chí là còn xuất khẩu. Do đó, điều này ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cá tra Việt Nam và áp lực cạnh tranh tại thị trường này bắt đầu xuất hiện.
Trung Quốc cũng bắt đầu siết chặt hơn quản lí chất lượng và tiêu chuẩn cá tra, và không còn là thị trường dễ tính như trước, do đó, đây cũng là rào cản khó khăn đối với các doanh nghiệp.
Nhìn rộng ra một số nước cũng đã nuôi được cá tra như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia... Sản lượng của các nước này gộp lại gần bằng sản lượng cá tra Việt Nam. Do đó, áp lực cạnh tranh trên thế giới ngày càng lớn.
Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế là công nghệ chế biến tốt, thời tiết thuận lợi và có kinh nghiệm lâu năm nuôi cá tra hơn những nước còn lại.
Trước tình hình khó khăn như hiện nay, một số doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển hướng vào thị trường trong nước, ông đánh giá thế nào về động thái này?
Cách đây 5 - 10 năm cũng đã có doanh nghiệp tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ việc xuất khẩu quá lớn nên thị trường trong nước bị bỏ ngỏ. Do đó, trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn như hiện nay, việc phát triển ở thị trường nội địa 100 triệu dân là hướng đi đúng đắn.
Giả sử mỗi người ăn 2 kg cá tra/năm. Như vậy cả nước tiêu thụ được 200.000 tấn cá, những áp lực từ các thị trường xuất khẩu sẽ giảm đi rất nhiều.
Do đó, tôi đánh giá đây là một hướng đi tốt.
Có vẻ như người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang rất khó tiếp cận cá tra mặc dù giá mặt hàng này rất rẻ, thưa ông?
Điều này hoàn toàn chính xác. Đó là do chúng ta đang thiếu hệ thống phân phối và chính sách khuyến khích của nhà nước.
Thực tế, theo quan sát của chúng tôi tại các hội trợ, người tiêu dùng rất thích mùi vị của cá tra trong khi loại cá này lại rất rẻ và giàu dinh dưỡng. Nhất là trong bối cảnh giá thịt heo đang rất đắt thì cá tra là một trong những lựa chọn thay thế tuyệt vời.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc hội trợ họ lại không biết chỗ nào bán cá tra, đặc biệt là người tiêu dùng ở miền Trung và miền Bắc.
Vì vậy, để phát triển ở thị trường trong nước, chúng ta cần có kênh phân phối mạnh, doanh nghiệp đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến thương mại và nhà nước phải có chính sách ưu đãi về thuế.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!