|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 36-CTCP: Người doanh nhân từ chiến trường đến thương trường

11:10 | 28/12/2017
Chia sẻ
Doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp được biết đến là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 36-CTCP. 
chu tich hdqt tong cong ty 36 ctcp nguoi doanh nhan tu chien truong den thuong truong

Doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp - Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 36-CTCP

Doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp từng tham gia chiến tranh chống Mỹ cứu nước từ lúc chưa đầy 18 tuổi, chinh chiến trên nhiều mặt trận cả ở Việt Nam và Lào. Khi đất nước hòa bình, tháng 1/1987 ông Giáp trở về Việt Nam và được điều động về Binh đoàn 11, giữ các chức vụ như Trợ lý vật tư xe máy và Phó Giám đốc Xí nghiệp 37.

Tháng 9/2003, ông được điều động từ Xí nghiệp 37 sang làm Giám đốc Xí nghiệp 36, khi đó Xí nghiệp 36 đang đứng bên bờ vực phá sản với khoản lỗ lên đến 34 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ ông đã mạnh dạn tiến hành cải tổ doanh nghiệp, thay đổi hệ thống quản lý, xây dựng và thực thi một chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp và hiệu quả để hồi sinh lại Xí nghiệp 36 và đưa doanh nghiệp bước vào một trang sử mới.

Kể từ đây một chặng đường dẫn đến sự thành công của 36 được mở ra. Xí nghiệp 36 dưới sự lãnh đạo của ông Giáp đã có những bứt phá ngoạn mục, không những giải quyết hết số thua lỗ 34 tỷ do lịch sử để lại mà doanh thu liên tục tăng trưởng vào các năm tiếp theo. Trước yêu cầu phát triển toàn diện và vượt bậc của Xí nghiệp, tháng 3/2006 Bộ Quốc phòng (BQP) đã quyết định chuyển Xí nghiệp 36 thành Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây lắp và Thương mại 36 (gọi tắt là Công ty 36)- đây là mô hình Công ty TNHH đầu tiên trong Quân đội.

Năm 2008, cơn bão suy thoái của nền kinh tế thế giới bắt nguồn từ Mỹ ảnh hưởng nặng nề đến châu Á và Việt Nam. Chính phủ cắt giảm đầu tư công và lạm phát gia tăng đã kiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xây dựng lao đao. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Giáp, Công ty 36 không những đứng vững mà còn thực hiện những bước phát triển đột phá.

Điển hình là việc sáp nhập Công ty 56 (thuộc Tổng công ty Thành An) khi đó đang lâm vào tình trạng thua lỗ nặng nề, nợ đã lên tới 130 tỷ đồng vào đơn vị mình. Quyết định đúng đắn của ông đã cứu hơn 400 công nhân viên và gần 1.000 người lao động của Công ty 56 thoát khỏi tình trạng thất nghiệp.

Việc làm đó đã thể hiện tính nhân văn và tầm nhìn vĩ mô của ông Giáp. Bên cạnh đó, ông còn mạnh dạn đầu tư hơn 700 tỷ đồng mua 600 đầu thiết bị hiện đại của các hãng tiên tiến trên thế giới, tạo nên sự đột phá về công nghệ, cùng với phương pháp quản lý điều hành sáng tạo đã nhận được nhiều công trình trọng điểm, tầm cỡ quốc gia và có ý nghĩa chiến lược.

Bước vào thời kỳ hội nhập, để phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, Quân đội cùng với sự phát triển vượt bậc và lớn mạnh không ngừng của Công ty 36, ngày 23/8/2011, BQP đã quyết định thành lập Tổng Công ty 36 về trực thuộc Bộ. Đây cũng là trường hợp doanh nghiệp “con” duy nhất trong quân đội phát triển trở thành Tổng công ty và là một dấu mốc hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của 36.

Trước xu thế của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, người thuyền trưởng một lần nữa chứng tỏ phẩm chất nhạy bén và sự lãnh đạo quản lý xuất sắc bằng cách chủ động thay đổi chiến lược để đáp ứng tình hình mới. Ông từng chia sẻ suy nghĩ đầy quyết đoán với toàn thể nhân viên rằng “với bề dày thành tích và thế mạnh rất lớn của một doanh nghiệp quân đội, có kỷ cương, kỷ luật cộng với cơ chế quản lý cổ phần hoá, xác định rõ vị trí pháp lý của từng cá nhân và trách nhiệm của người lao động sẽ được gắn với tập thể, với đồng tiền bát gạo, sát sườn”.

Chính vì vậy, năm 2014, Tổng Công ty đã mạnh dạn đi trước đón đầu, tiên phong cổ phần hoá Công ty mẹ để công khai sức khoẻ doanh nghiệp, qua đó từng bước chuyển đổi, nâng cao phương pháp quản trị điều hành, hoàn thiện mô hình quản lý chuyên nghiệp bảo đảm tính minh bạch, tư duy tự chủ, sáng tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Đây là điều chưa có tiền lệ ở BQP, khẳng định thương hiệu 36 trên thị trường xây dựng Việt Nam.

Ngày 22/2/2016 Thủ tướng CP chấp thuận phương án cổ phần hóa của Tổng công ty 36. Và ngày 25/5/2016 Tổng công ty 36-CTCP tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần đầu, mở đầu cho thời kỳ hoạt động theo mô hình mới.

chu tich hdqt tong cong ty 36 ctcp nguoi doanh nhan tu chien truong den thuong truong

Với phương châm sống “lấy công việc, sự sáng tạo và đấu tranh cho lẽ phải, cho những người nghèo làm hướng đi của cuộc đời mình” - Ông Nguyễn Đăng Giáp đã dẫn dắt Tổng Công ty 36 không ngừng nỗ lực vươn lên, hăng say lao động, vượt qua khó khăn, gian khổ, viết nên trang sử hào hùng cho sự nghiệp phát triển kinh tế Quốc phòng trong thời kỳ hội nhập.

Tài sản của Xí nghiệp 36 từ chỗ con số âm nợ và lỗ 34 tỷ đồng (khi ông Giáp về nhận Giám đốc Xí nghiệp 36 ngày 23/9/2003) đến nay tổng số tài sản Tổng Công ty 36 trên 6.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2016 đạt gần 4.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân xấp xỉ 8 triệu đồng/người/tháng.

Thật không quá khi nói rằng, Ông Nguyễn Đăng Giáp là một trong những doanh nhân hiếm có khi xuất phát điểm là một người lính lại có tư duy nhạy bén trong kinh doanh, phát triển công ty nhà nước, trực thuộc quân đội vượt qua khó khăn về bộ máy quản lý, sự lệ thuộc vào nhà nước và bứt phá thành một Tổng công ty xây dựng lớn mạnh.

Ngoài các Giải thưởng lớn được Đảng và Nhà nước Việt Nam công nhận như danh hiệu cá nhân Anh hùng Lao động (2010) và danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động (2013), Ông còn được tổ chức nước ngoài Asia Enterprise đánh giá và công nhận những thành tích, đóng góp của ông và trao tặng giải thưởng Doanh nhân Châu Á Thái Bình Dương. Với giải thưởng này ông Giáp đã sánh ngang với các doanh nhân nổi bậc khác trong khu vực Châu Á.

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.