Chủ tịch Deloitte Việt Nam đề xuất kiểm toán bản cáo bạch
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam kiến nghị kiểm toán thêm đối với bản cáo bạch của các doanh nghiệp.
Theo bà Thanh, báo cáo tài chính kiểm toán chỉ phản ánh thông tin trong quá khứ, trong khi bản cáo bạch mới phản ánh đầy đủ cốt lõi, tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte |
Cùng với đó, việc kiểm toán bản cáo bạch không chỉ cần thực hiện với các doanh nghiệp niêm yết mà còn đối với các công ty đại chúng, những doanh nghiệp chuẩn bị được đưa lên sàn chứng khoán hay thị trường UPCoM.
Về những quy định đối với đơn vị kiểm toán trong dự thảo luật chứng khoán mới, đại diện Deloitte cho rằng nên tuân thủ theo luật kiểm toán và các quy định quốc tế thay vì làm mới để tránh chồng chéo.
Bà Thanh cũng cho rằng, cần khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết sớm áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS. Dự thảo luật chứng khoán thời điểm hiện tại chỉ yêu cầu có thêm báo cáo bản tiếng anh; tuy nhiên Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng nếu báo cáo tài chính không theo chuẩn mực quốc tế, thì có phiên dịch sang tiếng anh nhà đầu tư nước ngoài cũng không hiểu được.
Về quản trị công ty, chỉ số quản trị công ty của các công ty niêm yết của Việt Nam hiện thấp trong khu vực. Quản trị công ty đang nằm ở thủ tục hình thức nhiều hơn, do đó các công ty phải hướng đến quản trị thực chất hiệu quả.
Các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là một bộ chuẩn mực kế toán được thiết kế và phát triển bởi một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được gọi là Hội đồng chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB). Mục tiêu của IFRS là cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày báo cáo tài chính cho các công ty đại chúng. IFRS tập trung vào các hướng dẫn, diễn giải chung nhất về cách lập báo cáo tài chính hơn là thiết lập các quy tắc lập báo cáo ngành cụ thể. Có được bộ chuẩn mực quốc tế là một điều cần thiết đối với các công ty lớn có các chi nhánh tại các quốc gia khác nhau. Áp dụng một bộ chuẩn mực phổ biến toàn thế giới sẽ đơn giản hóa các thủ tục kế toán thông qua việc sử dụng xuyên suốt một loại ngôn ngữ trong báo cáo của các công ty. Bộ chuẩn mực này cũng sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư và các kiểm toán viên một cái nhìn toàn cảnh và rõ ràng về tài chính. Hiện nay, đã có hơn 100 quốc gia cho phép hoặc yêu cầu áp dụng IFRS cho các công ty đại chúng cùng với nhiều quốc gia khác dự kiến chuyển sang IFRS vào năm 2016. Những người đề xuất IFRS tin rằng các chi phí áp dụng IFRS có thể được bù đắp bởi tính phù hợp trong tương lai của các báo cáo, qua đó cải thiện xếp hạng tín dụng. |