|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Đại học Đông Đô: 'Tay chơi' một thời oanh liệt trên thị trường chứng khoán Việt Nam

09:24 | 23/08/2019
Chia sẻ
Ngoài ghế Chủ tịch Trường Đại học Đông Đô, ông Trần Khắc Hùng còn giữ vị trí Chủ tịch tại CTCP Đầu tư và Thương mại VNN và CTCP Tập đoàn Sara, trước đó ông từng làm Chủ tịch CTCP Sara Việt Nam.

Ông Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô mới đây đã bị Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã với tội danh "Giả mạo trong công tác", quy định tại Điều 359, Bộ luật hình sự năm 2015.

Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, ông Hùng còn được biết đến với vai trò đầu não tại một loạt "cổ phiếu rác" trên sàn gồm các chức danh: Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư và Thương mại VNN (Mã: VNN) và CTCP Tập đoàn Sara (Mã: SRB), cựu Chủ tịch CTCP Sara Việt Nam (Mã: SRA).

Tất cả các doanh nghiệp trên dưới thời Chủ tịch Trần Khắc Hùng đều có một điểm chung, cổ phiếu lên sàn biến động bất thường, sổ sách có vấn đề, và càng ngày càng suy kiệt, thậm chí có cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc.

Zombie Sara - SRB

Đầu năm 2008, cái tên Trần Khắc Hùng được thị trường chứng khoán biết đến khi đưa 5,65 triệu cổ phiếu SRB của CTCP Tập đoàn Sara - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề, đào tạo cao đẳng, tư vấn du học chào sàn HNX đã gây bao sóng gió trên thị trường.

CTCP Tập đoàn Sara tiền thân là CTCP Đào tạo và Phát triển Công nghệ thông tin Quốc gia, được thành lập từ năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu là 1,9 tỉ đồng. Trong 2 năm 2006 - 2007, trước khi đưa cổ phiếu SRB lên sàn, vốn điều lệ của Tập đoàn Sara tăng lên mức 85 tỉ đồng, tuy nhiên vốn thực góp chỉ là 56,5 tỉ đồng.

srb1

Danh sách cổ đông góp vốn của Tập đoàn Sara tính đến 31/7/2007. Nguồn: Bản cáo bạch 2007

Trong đó, Chủ tịch Trần Khắc Hùng góp vốn 19 tỉ đồng. Bà Trần Thị Hương (người có liên quan Chủ tịch) góp 37,1 tỉ đồng nhưng đã rút vốn ngay trong tháng 9/2007 và giảm số vốn góp xuống còn 1,3 tỉ đồng. Hai cổ đông còn lại gồm ông Nguyễn Văn Đính và Đinh Văn Cường cùng góp 200 triệu đồng.

Như vậy, trước thời điểm lên sàn, danh sách cổ đông lớn – những người buộc phải công bố thông tin về giao dịch mua bán cổ phiếu theo Thông tư 155 của Tập đoàn Sara chỉ có duy nhất Chủ tịch Trần Khắc Hùng với 1,9 triệu cp, tỉ lệ 33,8%.

Ngay vừa lên sàn tháng 3/2008 với giá tham chiếu 15.000 đồng/cp, các cổ đông nội bộ của SRB đã liên tục bán tống cổ phiếu này khiến cổ phiếu lao dốc về quanh 6.000 đồng/cp vào tháng 6/2018, sau đó hồi phục lên vùng giá 10.000 đồng/cp trước khi rơi về mức thấp nhất chỉ hơn 3.000 đồng vào tháng 3/2009. 

Sau đó là những ngày tháng mà cổ phiếu SRB tiếp tục kịch bản tăng mạnh giảm sốc với một chuỗi những phiên tăng trần, giảm sàn một cách rất bất thường, đi kèm với đó là những tiếng rao náo nhiệt trên các diễn đàn chứng khoán kêu gọi đầu tư vào cổ phiếu này.

Náo hoạt nhất là giữa năm 2010, cổ phiếu SRB tạo con sóng lớn nhất nhất lịch sử với chuỗi tăng giá gấp 4 lần từ 7.000 đồng/cp lên khoảng 28.000 đồng/cp, kèm theo khối lượng giao dịch cao đột biến tại vùng đỉnh.

Cũng tại thời điểm đó, công ty công bố chào bán thành công gần 2,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược với giá 10.200 đồng/cp. 

Điều đáng nói, đối tác chiến lược ở đây là 8 nhà đầu tư cá nhân với tỉ lệ sở hữu của mỗi người đều dưới 5%, tỉ lệ vừa vặn để không cần báo cáo nếu có giao dịch cổ phiếu.

Chính trong thời gian cổ phiếu SRB tạo sóng, Chủ tịch Trần Khắc Hùng đã tranh thủ "thoát hàng" khi bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu SRB vào tháng 7 - 8/2010. Làn sóng bán ra dồn dập của những cổ đông bí ẩn khiến cổ phiếu SRB rơi mạnh xuống còn 3.000 đồng/cp, rồi tiếp tục giảm về 1.000 - 2.000đồng/cp, mức giá mà các nhà đầu tư hay gọi là "cổ phiếu rác".

srb

Chủ tịch Tập đoàn Sara lướt sóng cổ phiếu trong con sóng lịch sử 2010. (Nguồn: VNDirect)

Có thể thấy, cổ phiếu SRB lình xình ở mức giá trà đá đến từ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả khi liên tục ghi nhận những khoản lỗ hàng năm. Đến hết năm 2018, khoản lỗ lũy kế đã lên tới 47 tỉ đồng, trong khi tổng tài sản còn hơn 50 tỉ đồng.

Tuy nhiên, điểm đáng ngờ nhất là trước thời điểm tăng vốn và lên sàn, các số liệu của Tập đoàn Sara đều được làm đẹp một cách rất bất thường.

Đơn cử, doanh thu thuần năm chào sàn 2007 tăng gấp 4 lần lên 12,2 tỉ đồng, doanh thu hoạt động tài chính cũng xuất hiện hơn 4 tỉ đồng lãi chuyển nhượng cổ phần; theo đó lợi nhuận sau thuế của SRB tăng hơn 8 lần lên 5,67 tỉ đồng, mức cao nhất lịch sử.

Mặc dù ghi nhận mức lãi khủng nhưng trên thực tế công ty lại không thu được tiền về, dẫn tới dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 14 tỉ đồng, trong khi năm trước dương gần một tỉ đồng. 

Thay vào đó, phải thu khách hàng tăng thêm hơn 11 tỉ đồng, chủ yếu là phải thu từ các cá nhân đến việc chuyển nhượng cổ phiếu của các công ty liên quan.

srb3

Các khoản phải thu của Tập đoàn Sara tăng đột biến năm 2007. (Nguồn: BCTC năm 2007)

Những năm sau đó, hoạt động kinh doanh của công ty liên tục chìm trong thua lỗ. Đến năm 2016, cổ phiếu SRB buộc phải hủy niêm yết trên HNX về giao dịch trên thị trường UPCoM do bị lỗ ba năm liên tiếp kể từ 2013.

srb

Nguồn: ST tổng hợp

Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính dài hạn luôn duy trì đến 2/3 tổng tài sản trên sổ sách của Tập đoàn Sara của Chủ tịch Trần Khắc Hùng. Theo đó, đã có không ít nghi ngại về tính minh bạch tài chính của Tập đoàn này.

Tại thời điểm cuối năm 2018, các khoản đầu tư tài chính ở mức 40,36 tỉ đồng, chiếm hơn 79,6% tổng tài sản. Trong đó đáng chú ý có 9 tỉ đồng góp vốn vào Trường Đại học Đông Đô, khoản đầu tư này được thực hiện vào cuối năm 2017 đến đầu năm 2018.

Do chưa đánh giá được khả năng thanh toán các khoản phải thu, kiểm toán cho rằng đây  là những yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể gây ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

srb4

Các khoản đầu tư của Tập đoàn Sara tại thời điểm cuối năm 2018. (Nguồn: BCTC năm 2018)

"Cổ phiếu rác" Sara Việt Nam - SRA 

Giống như Tập đoàn Sara, kịch bản đối với "người anh em sinh đôi" là CTCP Sara Việt Nam (Mã: SRA) cũng được dựng nên tương tự. Sau khi đưa cổ phiếu lên sàn, đẩy giá tăng rồi sau đó giảm sút không phanh.

Sara Việt Nam cũng được thành lập từ năm 2003, đưa lên sàn HNX vào đầu năm 2008, tạo nên con sóng tăng giá vào năm 2010 và cùng phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược trong thời gian này.

Khi đó, cổ phiếu SRA tăng dựng đứng gấp 4 lần từ dưới 5.000 đồng/cp lên 19.000 đồng/cp, sau đó lại rơi về 3.000 đồng/cp vào năm 2010 và giao dịch với mức giá trà đá cho đến khi Chủ tịch Trần Khắc Hùng thoái vốn vào năm 2016.

sra

Cổ phiếu SRA cũng tăng đột biến vào năm 2010, rồi sau đó lao dốc và giao dịch với giá trà đá dưới thời Chủ tịch Trần Khắc Hùng. (Nguồn: VNDirect)

Trong thời gian ông này làm chủ tịch, tình hình kinh doanh của Sara Việt Nam cũng không khá khẩm hơn so với "người anh em" Tập đoàn Sara. 

Giai đoạn 2006 - 2016, Sara Việt Nam chứng kiến kết quả kinh doanh "èo uột" với mức lãi cao nhất là 4 tỉ đồng vào năm 2006, thậm chí năm 2012 và 2013 công ty lỗ lần lượt 5,4 tỉ đồng và 4,7 tỉ đồng.

Tại thời điểm ông Hùng rời khỏi công ty vào giữa năm 2016, tổng mức lỗ lũy kế của Sara Việt Nam là 12,9 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 9,9 tỉ đồng.

sra2

Sara Việt Nam kinh doanh "èo uột" dưới thời Chủ tịch Trần Khắc Hùng. (Nguồn: ST tổng hợp)

Cổ phiếu VNN bị hủy niêm yết từ giữa năm 2018

Cũng liên quan đến Chủ tịch Trần Khắc Hùng và Đại học Đông Đô, kịch bản của CTCP Đầu tư và Thương mại VNN (tiền thân là CTCP Đầu tư Vietnamnet) còn tệ hơn khi cổ phiếu VNN bị hủy niêm yết vào ngày 27/7/2018 do không đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng.

Trong thời gian là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Vietnamnet, ông Hùng đã quyết định góp vốn đầu tư vào trường Đại học Đông Đô.

Tại BCTC năm 2017 của VNN, khoản đầu tư này có giá trị 32 tỉ đồng. Ngoài ra, VNN cũng có 5 tỉ đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Đào tạo Quốc tế Đông Đô dưới dạng khoản phải thu khác; và khoản tạm ứng 7,6 tỉ đồng của ông Vương Bá Lân.

Tuy nhiên, kiểm toán IFC chưa được cung cấp đầy đủ các bằng chứng kiểm toán để đánh giá về khoản đầu tư này trên báo cáo tài chính hợp nhất, do đó đã từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán về BCTC hợp nhất năm 2017, dẫn đến việc hủy niêm yết của cổ phiếu VNN.

vnn

Tính đến 31/12/2017, VNN đang đầu tư 32 tỉ đồng vào Đại học Đông Đô. (Nguồn: BCTC năm 2017)

Trước khi bị hủy niêm yết, VNN cũng bị lỗ 5 năm liên tiếp. Số lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 là 18,66 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu còn 48,4 tỉ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2017, Chủ tịch Trần Khắc Hùng nắm giữ 1,1 triệu cổ phiếu VNN, tương ứng tỉ lệ 19,3% vốn cổ phần của công ty.

Sơn Tùng