|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế: Thị trường tài chính còn rủi ro, nợ xấu gia tăng, áp lực TPDN lớn

11:24 | 20/05/2024
Chia sẻ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Bên cạnh đó, áp lực TPDN năm nay khoảng 300.000 tỷ đồng, cao nhất trong ba năm trở lại đây.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV diễn ra sáng 20/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Theo Phó Thủ tướng, trong 4 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, CPI bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. 

 

Tuy nhiên, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm.

Tính đến ngày 23/4/2024, dư nợ tín dụng tăng 1,6% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 2,66%). Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu.Các ngân hàng thương mại đã cam kết tín dụng cho 15 dự án nhà ở xã hội với số tiền cam kết khoảng 7 nghìn tỷ đồng; mới giải ngân cho 12 dự án với tổng số tiền 956 tỷ đồng, Phó Thủ tướng cho biết. 

Thị trường tài chính còn tiềm ẩn rủi ro

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

 

Đánh giá về các nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ ra rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP QI/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%; giá vé máy bay tăng cao tác động tiêu cực đối với tăng trưởng du lịch nội địa; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện; hầu như toàn bộ khâu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics, bảo hiểm vận tải đều do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận. Ngành khai khoáng suy giảm trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như giai đoạn trước dịch COVID-19.

 

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường; chi phí vận tải tăng khá mạnh, nhất là đường biển, tỷ giá biến động bất thường trong những tháng đầu năm cũng là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Đặc biệt, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức.

 

Tỷ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có thời điểm đã vượt 25.000 đồng/USD, dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 khoảng 300.000 tỷ đồng, cao nhất trong ba năm gần đây. Thu ngân sách chưa bền vững; phân tích dự báo thu chưa sát, ảnh hưởng đến chất lượng dự toán; nợ đọng thuế còn cao; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc.

Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn chậm.  

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết đây là những thách thức lớn trong điều hành và đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục.

Hạ An