|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ doanh nghiệp siêu nhỏ có biết: Từ ngày mai không cần tuyển dụng kế toán trưởng?

20:16 | 14/02/2019
Chia sẻ
Thay vào đó doanh nghiệp siêu nhỏ được ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để thuê dịch vụ làm kế toán hoặc dịch vụ làm kế toán trưởng.
 

Quy định không bắt buộc có kế toán trưởng cho doanh nghiệp siêu nhỏ có hiệu lực từ ngày 15/2

Ngày mai 15/2, Thông tư số 132 ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ chính thức có hiệu lực và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/4/2019.

chu doanh nghiep sieu nho co biet tu ngay mai khong can tuyen dung ke toan truong
Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc có kế toán trưởng. Ảnh minh họa

Theo quy định này, chế độ kế toán tại doanh nghiệp siêu nhỏ quy định như sau:

Về tổ chức bộ máy, doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc có kế toán trưởng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ được ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để thuê dịch vụ làm kế toán hoặc dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định của pháp luật.

Về sổ kế toán, các doanh nghiệp siêu nhỏ được xây dựng biểu mẫu sổ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh. Nếu không tự xây dựng được biểu mẫu sổ kế toán cho riêng đơn vị thì được áp dụng biểu mẫu và phương pháp ghi chép sổ kế toán theo hướng dẫn tại thông tư 132.

Quy định về phương pháp kế toán, doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ nếu không có nhu cầu thì không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán. Doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ ghi chép nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào khoản mục cần theo dõi mà không cần phản ánh các tài khoản đối ứng để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập, các khoản thuế phải nộp nhà nước, các khoản tiền lương và các khoản trích theo lương... phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước.

Trước đó, theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 20 Nghị định Chính phủ số 174 năm 2016: “Các doanh nghiếp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.”

chu doanh nghiep sieu nho co biet tu ngay mai khong can tuyen dung ke toan truong
TS. Đỗ Kiều Oanh, Chủ nhiệm Bộ môn Kế toán, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: UEB

Để đánh giá về việc tác động của của Thông tư số 132 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Đỗ Kiều Oanh, Chủ nhiệm Bộ môn Kế toán, Khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Không bắt buộc có kế toán trưởng, doanh nghiệp siêu nhỏ ‘lợi đơn, lợi kép’

Theo đánh giá của TS. Đỗ Kiều Oanh, việc ban hành Thông tư 132 là phù hợp với đặc điểm tình hình hiện nay ở xã hội Việt Nam vì các doanh nghiệp siêu nhỏ có những biến động nhất định.

"Do đó, không nhất thiết phải bố trí cứng nhắc một kế toán trưởng, miễn là doanh nghiệp siêu nhỏ có một cách thức tiến hành để báo cáo hoặc phản ánh thông tin về kế toán như thế nào cho đáp ứng đủ các chế độ. Tôi nghĩ rằng điều này hoàn toàn phù hợp", TS. Đỗ Kiều Oanh phân tích.

Việc bỏ quy định bắt buộc kế toán trưởng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ đem lại những lợi ích lớn, điển hình là chi phí cho một nhân sự. Bởi vì trong năm 2018, doanh nghiệp siêu nhỏ bị ràng buộc một cách chặt chẽ cho việc phải dùng bảo hiểm.

Nếu trong một doanh nghiệp đã siêu nhỏ mà lại có một nhân sự chỉ làm kế toán, đối với các doanh nghiệp này sẽ không hiệu quả. Thường các doanh nghiệp siêu nhỏ dùng người một cách đa dạng, sử dụng một nhân sự trên rất nhiều các phương diện, có thể vừa làm hành chính vừa làm kế toán cùng nhiều việc khác. Việc sử dụng một nhân sự cho chỉ một công việc vì sẽ rất lãng phí.

Thứ hai, nếu cố định một nguời làm kế toán tức là người đó bắt buộc phải có chuyên môn về kế toán, thì các lĩnh vực khác họ cũng sẽ bị hạn chế, TS. Đỗ Kiều Oanh phân tích.

Cơ hội cho những đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán

"Hầu như tôi thấy các doanh nghiệp siêu nhỏ đều đi thuê dịch vụ kế toán, đó cũng là cơ hội cho những người muốn phát triển dịch vụ ngành nghề kế toán vì họ có thể làm được cho rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ mà không bị bó buộc ở một chỗ.

Như vậy, tôi lại phân tích thêm một khía cạnh khác có lợi cho người làm nghề dịch vụ chứ không chỉ mang lợi cho doanh nghiệp. Vì họ không bắt buộc phải đến cố định ở một doanh nghiệp nhưng họ có chứng chỉ hành nghề và họ được quyền làm cho các đơn vị đó. Do đó, việc này cũng tiết kiệm được chi phí cho cả xã hội chứ không chỉ cho doanh nghiệp", TS. Đỗ Kiều Oanh phân tích thêm.

chu doanh nghiep sieu nho co biet tu ngay mai khong can tuyen dung ke toan truong
Cơ hội phát triển cho những đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Ảnh minh họa

Không bắt buộc kế toán trưởng, chất lượng kế toán của các doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ ra sao?

"Về chất lượng kế toán thì chỉ có thể mong đợi Luật kế toán hoặc là các quy định ràng buộc hay các hình thức xử phạt, những quy định pháp lý và phải có sự truy cứu thật chặt chẽ, tôi cho rằng sẽ không có những lỗ hổng về việc công bố những thông tin không đúng hoặc những sản phẩm lỗi trong việc công bố các báo cáo hay những thông tin về kế toán, TS. Đỗ Kiều Oanh đánh giá.

Điển hình như việc áp dụng chế độ thanh toán tính lương và bảo hiểm năm vừa rồi đã làm, tất cả các doanh nghiệp phải tự xử lý lại các công việc liên quan đến việc khai báo tiền lương và nhân sự. Đây cũng có thể là bước đệm cho việc tăng cường thêm các quy định chặt chẽ hơn nữa vì tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp đến một ngưỡng nào đó, bắt buộc họ phải tuân thủ một cách chặt chẽ. Khi mà họ lựa chọn tuân thủ không chặt chẽ mà chúng ta có các điều kiện xử phạt và truy cứu trách nghiệm hình sự thì cái thiệt hại nó còn lớn hơn. Lúc các doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ và lúc đấy sẽ không có gì là đáng lo ngại về chất lượng kế toán", TS. Đỗ Kiều Oanh lập luận.

Theo quy định tại Nghị định Chính phủ số 39 ban hành ngày 11/3/2018, doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 385,3 nghìn doanh nghiệp siêu nhỏ. Con số ngày gấp hơn 3,3 lần số doanh nghiệp nhỏ, gấp 45 lần số lượng doanh nghiệp vừa và gấp 38 lần số doanh nghiệp lớn.

Xem thêm

Thu Thủy - Hoàng Linh