Chóng mặt trong cơn 'say' đất nền: Dân xếp hàng dài đi 'sang tên'
Sốt giá đất nền ở TP Hồ Chí Minh là thật hay ảo? | |
Nhà đất lên cơn 'sốt', người dân xếp hàng dài chờ làm thủ tục |
Văn phòng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các quận vùng ven TP HCM như quận 12 hay quận 9 đang có số lượng người đến giao dịch rất đông. Đặc biệt là lượng người đến giao dịch về nhà đất, người dân phải xếp thành hàng dài để chờ đến lượt.
Văn phòng đăng ký đất đai quận 12 luôn có rất đông người dân đến làm các thủ tục nhà đất |
Ông Trương Công Sơn (ngụ phường 13, quận Tân Bình) cho biết, ông đến khu giải quyết hành chính của UBND quận 12 để nộp hồ sơ làm thủ tục đăng bộ, sang tên một căn nhà tại phường Tân Chánh Hiệp (quận 12).
“Người đến làm thủ tục nhà đất nhiều quá, phải mất cả buổi sáng mới xong các khâu giấy tờ ban đầu. Từ năm 2016 đến nay đều đông như vậy chứ không phải mới đây mới đông đúc đâu. Tôi mua đi bán lại nhiều căn rồi nên tôi biết”, ông Sơn nói.
Một cán bộ làm việc tại Văn phòng đăng ký đất đai quận 12 chia sẻ, nhu cầu giải quyết thủ tục đất đai của người dân tại khu vực này luôn nhộn nhịp. Lượng giao dịch rất lớn khiến các cán bộ tại văn phòng phải làm việc liên tục từ sáng đến chiều tối.
“Nhu cầu giao dịch đất đai tăng mạnh trong khoảng 2 năm trở lại đây. Những ngày gần đây thì lượng người đến làm thủ tục đất đai cũng như những tuần trước thôi, không phải đến bây giờ mới sốt đất”, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai nói.
Nhiều quận vùng ven khác tại TP HCM cũng tấp nập không kém. |
Ghi nhận tại khu vực giải quyết thủ tục hành chính của UBND quận 9, chúng tôi nhận thấy người dân đến nộp hồ sơ và nhận kết quả nhà đất khá tấp nập. Khu vực nào cũng xôn xao chuyện đất đai. Những ngày “quá tải”, người dân phải xếp thành hàng dài để chờ làm thủ tục.
Bà Nguyễn Thị Sáu, một nhà đầu tư thứ cấp cho biết, bà đang làm thủ tục bán một lô đất hơn 100m2 trên đường Đỗ Xuân Hợp với giá 4 tỷ đồng.
“Cách đây ba tháng tôi mua miếng đất này với giá 3,6 tỷ đồng, gặp khách mua để ở nên tôi sang tay luôn. Miếng này lãi được 400 triệu đồng. Tôi chuẩn bị đầu tư một miếng đất khác trên đường Tây Hòa”, bà Sáu nói.
Không khí mua bán nhà đất không chỉ nhộn nhịp ở quận 9, quận 12 mà các quận vùng ven khác như quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh cũng có lượng giao dịch đông đảo và “nóng” không kém.
Quận 9 là địa phương có lượng giao dịch nhà đất rất lớn |
Theo lãnh đạo một công ty bất động sản chuyên mua bán nhà đất tại các quận, huyện ngoại thành TP HCM, các giao dịch nhà đất tăng mạnh trong vài năm trở lại đây do giá bất động sản ở khu vực vùng ven thành phố có đà tăng tốt. Cuối năm 2015, giá đất vẫn “dậm chân tại chỗ”. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2016 đến đầu năm 2018 thì giá đất tăng đều. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều căn nhà ở quận 12, quận 9 hay quận Bình Tân có giá trị tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2015.
“Tôi lấy ví dụ, vào năm 2015, một căn nhà 60m2 nằm trong hẻm 2,5m ở quận 12 có giá khoảng 750 – 800 triệu đồng. Tuy nhiên, đến tháng 4/2018 thì căn nhà này sẽ có giá khoảng 1,6 – 1,7 tỷ đồng sẽ có người mua ngay. Các quận vùng ven khác cũng có mức tăng tốt như vậy nên giới đầu tư đang đổ xô về ngoại thành gom hàng”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Chính vì vậy, các văn phòng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về đất đại tại các quận, huyện ngoại thành TP HCM đang rất đông đúc và tấp nập. Dự kiến, tình hình giao dịch nhộn nhịp sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã có cuộc họp với lãnh đạo các quận, huyện sau hơn 4 tháng Quyết định 60/2017 của UBND TP HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực. Ông Tuyến nhận định, hiện nay vẫn còn nhiều đối tượng “thổi giá” đất ở nhiều khu vực bằng nhiều hình thức. Các đối tượng này đã tung ra những thông tin sai lệch, không chính xác để giá đất tăng “ảo”.
Người dân xếp hàng dài để chờ làm thủ tục giao dịch nhà đất tại quận 9 |
Ông Tuyến yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện phải lưu ý, đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng. Cán bộ quản lý tại địa phương cũng cần cung cấp cho người dân những thông tin chính xác về các dự án tương lai để người dân chủ động nắm tình hình và không được tạo ra các thông tin sai lệch. Việc tách thửa là tạo điều kiện cho người dân nhưng cũng không được để đầu nậu lợi dụng để trục lợi.
Quyết định 60/2017 của UBND TP HCM quy định diện tích tối thiểu để tách thửa chia làm 3 khu vực. Khu vực 1 gồm: quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú, thửa đất ở hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa là 36m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m.
Khu vực 2 gồm các quận như: quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện, thửa đất ở hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa là 50m2, chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4m.
Khu vực 3 gồm các huyện như: huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ - ngoại trừ thị trấn, thửa đất ở hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa có diện tích là 80m2 và chiều ngang mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m. Đó là điều kiện về diện tích, chiều rộng thửa đất mới được hình thành sau khi tách thửa cũng như phần đất còn lại.