|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chổi chít tiền triệu và hội nhập kinh tế

00:14 | 16/03/2018
Chia sẻ
Một sản phẩm có thể nói là dân dã, thân thuộc trong gia đình Việt như chổi chít đã ra quốc tế; và giá chào bán của nó tăng “chóng mặt”.

Theo nội dung trên amazon.co.jp, sản phẩm chổi chít này, được gọi là “choi bong co Vietnam hand made” (chổi bông cỏ thủ công của Việt Nam), có giá 11-12 nghìn yên, hay tương đương với giá quy đổi khoảng từ 2,35-2,56 triệu đồng. Trong khi đó tại Việt Nam, cũng chiếc chổi có tay cầm nhiều màu như amazon.co.jp chào bán có giá khoảng 40 nghìn đồng đến trên 50 nghìn đồng một chiếc, loại rẻ hơn có thể mua được với giá 25 nghìn đồng một chiếc.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là ngay ở việc một sản phẩm có thể nằm còng queo trong góc cửa gia đình người Việt được đưa lên bán với giá “sốc” như thế trên amazon.co.jp, không ai, hay doanh nhân người Việt nào thấy đó là cơ hội kinh doanh rõ ràng, có thể làm giàu và tạo sản nghiệp nhanh chóng. Đó thực tế chỉ là câu chuyện thời hội nhập, khi một nhóm nhỏ nhu cầu cũng có thể được phục vụ, nhưng với giá tính kèm rất nhiều loại chi phí.

Chỉ mới đây, khi nhiều nước châu Á bước vào giai đoạn chuẩn bị cho Tết âm lịch, cũng trên trang amazon.co.jp chào bán lá chuối tươi với giá cực cao, 2.280 yên một lá, tức khoảng 480 nghìn đồng một lá. Nếu giao dịch số lượng lớn hơn, giá có thể giảm, chẳng hạn mua 5 lá thì khách hàng phải trả tổng cộng khoảng 1,2 triệu đồng.

Lá chuối rao bán đó có thể là hàng nhập khẩu, nhưng cũng có thể khai thác tại Nhật, ở một vùng nông thôn nào đó. Nhưng như nói ở trên, đó không phải là một sản phẩm có cơ hội kinh doanh rõ ràng, tạo thành thị trường có cạnh tranh, bởi nó chủ yếu chỉ phục vụ cho một số người châu Á sống tại Nhật, sử dụng để gói một số loại bánh truyền thống trong dịp Tết.

Lẽ thông thường, với các thị trường sản phẩm, dịch vụ quy mô nhỏ, cơ hội kinh doanh không lớn. Sẽ rất khó để bán thịt lợn, rượu tại khu đa số là người theo đạo hồi. Tương tự, bọ xít, châu chấu, đuông dừa có thể là món ăn ưa thích ở nhiều nước châu Á, nhưng khó tồn tại một nhà hàng bán đồ này ở châu Âu.

Cơ hội kinh doanh nhỏ, khó tạo sản nghiệp nhanh, nhưng giá bán cao và lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm sẽ lớn. Sản phẩm có thị trường nhỏ như vậy, đi từ nước thu nhập thấp sang nước giàu có thì giá cao cũng là bình thường. Nhưng, trong giá bán thì ngoài chi phí mua hàng còn rất nhiều loại chi phí khác.

Loại chi phí đẩy giá lên như trường hợp của chổi chít, hay lá chuối, còn là chi phí vận chuyển, kiểm soát chất lượng hay vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn nước nhập khẩu, chi phí bán hàng, hoặc bao gói, và cả chi phí cơ hội khi người kinh doanh lựa chọn bán sản phẩm này, thay vì sản phẩm khác có thể lợi nhuận thấp hơn nhưng dễ bán và bán với số lượng lớn hơn.

choi chit tien trieu va hoi nhap kinh te
Hình ảnh chổi chít trên trang Amazon ở Nhật Bản.

Nhưng, dù là câu chuyện từ cây chổi chít có lẽ chỉ dừng ở bước khởi đầu cho mặt hàng này chính thức “lên kệ” ở nước ngoài, thì nó cũng mở ra nhiều triển vọng kinh doanh cho các DN Việt Nam. Chổi chít và lá chuối, hay tía tô, rau răm, cao sao vàng… đang đại diện cho những sản phẩm thuần Việt len lỏi vào các thị trường “ngóc ngách” ở nước ngoài, sau một thời gian Chính phủ kiên trì định hướng hội nhập và DN, người kinh doanh trong nước, các đối tác nước ngoài ngày càng có kinh nghiệm giao thương quốc tế.

Nên trên hết, từng sản phẩm Việt đi ra thị trường thế giới đều là những cột mốc cho thành công kinh tế, trên cả khía cạnh mở rộng thị trường, tăng cơ hội giao thương, cũng như kiến tạo nên những doanh nhân, DN thành công trên thương trường. Hay nói cách khác, sau mỗi sản phẩm Việt ra thế giới có thể là những giao kết, những doanh nhân, DN mới được hình thành. Đó chính là lực lượng nòng cốt cho một Việt Nam hội nhập để phát triển.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện của chổi chít vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm. Một sản phẩm thuần Việt như thế, làm sao có thể đến với nhiều người tiêu dùng nước ngoài hơn, tạo dựng thị trường rộng lớn cho riêng mình. Để làm được điều đó là cả một câu chuyện dài về xúc tiến thương mại, về tận dụng từng cơ hội tiếp cận thị trường. Và ở khía cạnh khác, nó cũng đòi hỏi người sản xuất, nhà kinh doanh cũng phải thay đổi, để sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường nhập khẩu hơn nữa, qua các kênh kinh doanh thuận tiện hơn, như amazon.co.jp là một ví dụ…

Anh Quân