Cho vay nông nghiệp công nghệ cao, ngân hàng phải tính đến hiệu quả đầu tư
|
Tuy nhiên, đầu tư cho lĩnh vực này ra sao vẫn đang là câu chuyện đáng bàn dù bước đầu triển khai đã có dấu hiệu tích cực.
Trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện có 8 ngân hàng thương mại đăng ký cho vay gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao với số vốn hơn 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đã cho vay được con số tương đối lớn.
Tổng dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao đã đạt 26.000 tỷ đồng, với 4.021 khách hàng (3.957 khách hàng cá nhân, 64 doanh nghiệp). Trong đó, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 21.700 tỷ, chiếm 84% tổng dư nợ, cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.300 tỷ đồng và hiện chưa phát sinh nợ xấu.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, một trong những yếu tố khi cho vay các ngân hàng đều phải tính đến hiệu quả, đúng hơn là người vay có trả nợ được không, trên cơ sở tiêu thụ được sản phẩm. Ví dụ, vay để chăn nuôi lợn như vừa rồi nếu tiêu thụ không được, lập tức nợ xấu xuất hiện.
“Nếu như sản xuất, đầu tư không phù hợp nhu cầu thị trường, nhu cầu của nền kinh tế, thì không tiêu thụ được sản phẩm. Muốn thế phải tránh làm theo phong trào. Muốn đạt được điều đó, ở góc độ tổng thể của nền kinh tế, chúng tôi cũng phân tích đến điểm hài hoà giữa cung và cầu của nền kinh tế. Nhưng tất nhiên điều tra được nhu cầu của nền kinh tế như thế nào, nhất là với sản phẩm sạch, thì rất khó”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Phó Thống đốc cũng phân tích, nếu là sản phẩm thiết yếu, bắt buộc phải tiêu dùng, thì dễ điều tra hơn. Nhưng sản phẩm chất lượng cao này phù hợp đối tượng nào thì lại là câu chuyện khó khăn hơn. Vì người ta có thể sử dụng sản phẩm không phải công nghệ cao, theo cách truyền thống bà con vẫn làm.
Vấn đề ngân hàng quan tâm là đầu tư ra sao để tránh sau này đầu tư nhiều quá, khiến cung vượt quá cầu, không tiêu thụ được hoặc suất đầu tư cao quá thì việc trả nợ sẽ khó khăn, khi đó dẫn đến nợ xấu, nợ khó đòi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng nhấn mạnh tinh thần trong thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao là phải tính toán cung cầu, phân công đầu tư phát triển, không làm ào ạt theo phong trào, giải quyết điểm nghẽn một cách tích cực hơn, tinh thần là xã hội hóa chứ không đầu tư bao cấp. Chính phủ cũng sẽ tập trung xử lý gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ.
Theo đó, đối tượng áp dụng của chương trình bao gồm pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất – kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các ngân hàng thương mại cho vay được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Về lãi suất cho vay, ngân hàng thương mại cho vay đối với các nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của khách hàng để thực hiện chương trình với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại, phù hợp với quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn vốn cho vay chương trình do các ngân hàng thương mại cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường để thực hiện; Mức cho vay do NHTM và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định tại Điều 12 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước.
Về tài sản bảo đảm cho khoản vay, ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay phù hợp với quy định của pháp luật; Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định của pháp luật.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Quyết định 813/QĐ-NHNN được ban hành trên cơ sở thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những điều kiện quy định, để tránh việc lợi dụng vì cho vay theo gói này thấp hơn thông thường từ 1 đến 1,5%/năm.
“Tôi cho rằng việc triển khai bước đầu như vậy là rất chủ động, tích cực”, Phó Thống đốc nói.