Chính sách tiền tệ đang đảo chiều trên toàn cầu: Liệu có ảnh hưởng đến Việt Nam?
ECB thận trọng với chính sách tiền tệ do triển vọng kinh tế bất ổn |
Các nước bắt đầu chuyển sang giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ. Ảnh: THÀNH HOA |
Các nước bắt đầu chuyển sang giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ
Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ diễn ra năm 2008 với nguyên nhân chính là việc cho vay dưới chuẩn của các ngân hàng thương mại (NHTM). Sự sụp đổ của các định chế tài chính hàng đầu thế giới như Merrill Lynch hay Goldman Sachs đã khiến cho cuộc khủng hoảng tại Mỹ lan rộng trên phạm vi toàn cầu, kéo dài từ năm 2009-2011.
Để nền kinh tế có động lực tăng trưởng sau khủng hoảng, Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, thông qua việc hạ thấp mặt bằng lãi suất hoặc thông qua các gói nới lỏng định lượng, được biết đến với tên gọi là QE (Quantitative Easing). Thông qua QE, tiền sẽ được bơm vào nền kinh tế khi NHTƯ mua vào các tài sản dài hạn mà điển hình là trái phiếu chính phủ (TPCP).
Trải qua giai đoạn nới lỏng tiền tệ kéo dài từ 2011-2016, khối lượng cung tiền lớn đã giúp cho nền kinh tế của nhiều nước đạt các mức tăng trưởng cao, điển hình là nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, tăng cung tiền ở mức cao sẽ tạo ra áp lực lên lạm phát và nó hiện đang đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.
Trước diễn biến như vậy, Mỹ là nước tiên phong trong quá trình chuyển sang giai đoạn thắt chặt tiền tệ, thông qua động thái tăng lãi suất (Fed fund target rate(1)) liên tục từ đầu năm 2017 đến nay. Trước diễn biến này của Fed, NHTƯ của hàng loạt nước như Trung Quốc, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Philippines (các thị trường mới nổi)cũng đã lần lượt phải tăng lãi suất điều hành (Policy rate) trong thời gian gần đây.
Nguyên nhân chính là gì?
Tăng lãi suất là tín hiệu để thu hẹp chính sách tiền tệ, hay nói một cách khác là giảm cung tiền ra nền kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát. Do vậy, nguyên nhân chính để NHTƯ các nước tăng lãi suất chính là lạm phát có xu hướng tăng lên do đã thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ trong một thời gian dài trước đó. Tính đến tháng 4-2018, lạm phát năm (YoY) của Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt ở mức 25,5% và 10,2%. Tuy nhiên, lạm phát chỉ là bề nổi, là kết quả của hàng loạt vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia là những nước đã và đang phải liên tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát tăng lên và sự sụt giảm của đồng nội tệ. Nếu như lạm phát tăng là do cung tiền tăng, thì sự sụt giảm của đồng nội tệ là do các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) bán tháo tài sản, chủ yếu là TPCP, để chuyển sang đầu tư vào đồng đô la Mỹ cũng như TPCP của Mỹ. Việc bán tháo TPCP xuất phát từ sự mất niềm tin vào chính sách điều hành kinh tế của chính phủ các quốc gia này. Tham nhũng và lãng phí đã khiến cho việc nới lỏng tiền tệ đã không phát huy được hiệu quả mà ngược lại nó đang để lại hậu quả nặng nề. Đó là nợ công gia tăng và thâm hụt cán cân vãng lai (current account) ở mức cao. Đây mới là nguyên nhân sâu xa, là gốc rễ khiến cho các NĐTNN mất dần sự kiên nhẫn và niềm tin vào nền kinh tế của các quốc gia này.
Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào?
Trước tiên phải thấy rằng Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều giải pháp theo định hướng nới lỏng cung tiền để thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Đó là việc triển khai gói cho vay tín dụng ưu đãi mua bất động sản trị giá 30.000 tỉ đồng, hay động thái hạ mặt bằng lãi suất liên tục trong giai đoạn 2011-2017. Kết quả là kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2007.
Tuy nhiên, đang có sự khác biệt đáng kể giữa Việt Nam và các nước khác. Đó là lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát rất tốt và tiền đồng sẽ tăng giá so với đô la Mỹ nếu như không có sự can thiệp bằng chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì vậy, cũng có thể khẳng định Việt Nam chưa phải và cũng chưa cần phải tăng lãi suất như các quốc gia khác.
Thế nhưng, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Động thái rút vốn tại thị trường mới nổi và thị trường cận biên cũng sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của các NĐTNN tại thị trường Việt Nam. Theo đó, các NĐTNN cũng đã liên tục bán ròng cổ phiếu thông qua hình thức khớp lệnh trên thị trường chứng khoán tập trung (HOSE, HNX và UpCom) trong cả tháng 4 và 5-2018.
Để tránh lặp lại kịch bản của các nước như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ hay Indonesia thì NHNN cần tiếp tục có các giải pháp nhằm kiểm soát cung tiền, cụ thể là kiểm soát tín dụng, sao cho tín dụng có mức tăng trưởng hợp lý và được phân bổ chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Tài chính - nơi trực tiếp thực thi chính sách tài khóa - cần kiểm soát chặt chẽ quá trình giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án có sử dụng nguồn vốn của ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có thêm các giải pháp để mở rộng không gian thu hút dòng vốn nước ngoài thông qua hoạt động du lịch, kiều hối... Qua đó, sẽ góp phần duy trì cán cân vãng lai của Việt Nam thặng dư trong dài hạn. Đây cũng là một chỉ báo rất quan trọng bên cạnh việc kiểm soát lạm phát, để các NĐTNN cũng như các định chế tài chính quốc tế tiếp tục các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Nếu không làm được vậy thì Việt Nam sẽ không thể nằm ngoài xu thế chung của các nước là phải tăng lãi suất. Mà nếu làm vậy, thì nó sẽ tác động tiêu cực đến tham vọng của Việt Nam, là duy trì tăng trưởng của nền kinh tế ở mức cao và trong một thời gian dài.
(1) Là lãi suất cho vay qua đêm (overnight) giữa các NHTM với nhau để có đủ số dư dự trữ bắt buộc tại NHTƯ