Chính phủ yêu cầu điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục với mức độ và thời điểm phù hợp
Đây là một trong những yêu cầu của Chính phủ trong Nghị quyết số 20 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024 mới ban hành.
Chính phủ yêu cầu thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng tháng 1 tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 3,37% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản tháng 1/2024 tăng 2,72% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân CPI tăng theo Tổng cục Thống kê do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu.
Trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giảm.
9 nhóm tăng gồm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng mạnh nhất. Các nhóm tăng khác gồm nhà ở, vật liệu xây dựng; giao thông; hàng hóa và dịch vụ khác; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; văn hóa, giải trí và du lịch.
Hai nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông và giáo dục.
Tại buổi làm việc với 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các cơ quan khi xem xét điều chỉnh giá điện phải phù hợp thị trường, không giật cục, nóng vội.
Cuối tháng 1, Bộ Công Thương kiến nghị tăng giá điện trong năm nay để giảm bớt khó khăn cho EVN khi tập đoàn này vẫn ghi nhận lỗ 17.000 tỷ đồng năm ngoái và chi phí đầu vào sản xuất điện (than, dầu, khí) biến động.
Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần thay giá là 6 tháng nếu các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Năm ngoái, giá điện tăng tổng cộng 7,5%, sau hai lần được điều chỉnh vào tháng 5 và 11.
Với đề xuất của Bộ Công Thương, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể vào tháng 5 năm nay. Việc này, theo Bộ Công Thương, nhằm phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp EVN có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.