Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng công bố danh mục dự án được vay gói 120.000 tỷ đồng
Tại Nghị quyết 50 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 được Chính chủ ban hành ngày 11/3/2023.
Theo đó, Bộ Xây dựng khẩn trương tổng hợp, công bố danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Chia sẻ tại hội thảo diễn ra mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Bộ Xây dựng nhận được ý kiến gói 120.000 tỷ lãi suất vẫn còn cao, chưa khuyến khích đối tượng vay và chưa phải là giải pháp để đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội. Và cũng đang có ý kiến đề xuất Bộ Xây dựng một gói hỗ trợ khác mà trước đó Bộ Xây dựng cũng đề xuất là gói 110.000 tỷ đồng với chính sách giống với năm 2013.
Tuy nhiên, ông Khởi cho rằng, để khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản hiện nay không chỉ phải tháo gỡ về mặt pháp lý, bởi không phải tất các doanh nghiệp đều vướng mắc vấn đề này.
Chính các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu về tháo gỡ và cần chủ động tổ chức rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp nhằm đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính, quy mô, khả năng quản trị của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội, tránh đầu tư dàn trải.
Cùng với đó cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện và báo cáo, đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền xem xét giải quyết các thủ tục pháp lý của dự án để nhanh chóng triển khai, thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, phát triển được ban hành trong thời gian gầy đây, ông Khởi nhận định, không ngay lập tức giống như chính sách tiền tệ, chính sách về bất động sản luôn luôn có độ trễ. Một chính sách hôm nay ra có thể phải 6 tháng sau mới có hiệu lực và sau đó tiếp tục cần thời gian để lan tỏa.
“Theo tôi, thị trường bất động sản phải có lên có xuống giống như đồ thị hình Sin. Nhiều dự báo thị trường sẽ tốt lên vào quý III hoặc quý IV nhưng tốt lên ở góc độ nào, mảng nào? Nhưng ở góc độ làm chính sách, Chính phủ và các bộ ngành phải làm cho thị trường phát triển và chắc chắn trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ khác. Cụ thể là vào thời điểm cuối năm 2023 sẽ có những yếu tố tích cực liên quan đến dòng vốn giải ngân đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ vướng mắc pháp lý", vị này nhận định.