|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ quyết tâm đạt tăng trưởng 6,7%

07:33 | 13/04/2017
Chia sẻ
Tại cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp chiều 12-4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tất cả ngành, lĩnh vực cần rà soát lại mục tiêu, nhiệm vụ, nỗ lực ở mức cao nhất để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng.
chinh phu quyet tam dat tang truong 67
Chính phủ thể hiện quyết tâm đạt tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 sau khi chỉ đạt 5,1% trong quí 1. (Ảnh: XT).

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty lớn.

Mục tiêu khó, nhưng không bất khả thi

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 4% là rất khó nhưng không phải là không thể thực hiện.

Theo ông Cường, mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2017 là 2,5-2,8%. Tăng trưởng quí 1 mới chỉ đạt 2,05%, là mức thấp. Tuy nhiên, ông Cường đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho ngành, ở mức thấp là 2,55%, mức cao là 3,05%.

Trong lúc đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, đối với ngành dầu khí, việc thực hiện mục tiêu tăng sản lượng khai thác thêm 1 triệu tấn là khả thi.

Đối với các ngành khai khoáng khác, ông Vượng cho rằng, muốn tăng sản lượng phải mở rộng được thị trường. Do đặc thù than trong nước chủ yếu dành cho phát điện, nên cần thiết nghiên cứu các giải pháp hạn chế nhập khẩu để tăng tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, có thể nghiên cứu để cho phép xuất khẩu một số sản phẩm khoảng sản trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng rất ít vì thực tế, có một số sản phẩm nếu xuất khẩu để sản xuất ở nước ngoài sẽ có lợi hơn.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, việc tăng trưởng cao hơn đối với ngành sản xuất, phân phối điện là khó, vì phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu Chính phủ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió quy mô lớn thì khả năng tác động đến tăng trưởng là rất lớn.

Đối với các ngành sản xuất, chế biến khác, cần có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam có thể mạnh, còn dư địa tăng trưởng như dệt may, da giầy, điện tử, điện thoại.

Cần giải pháp đúng, nỗ lực cao

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các ngành, các cấp, doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực cần tập trung rà soát lại các chỉ tiêu kế hoạch, tìm ra nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

“Cuộc họp hôm nay là nhằm tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các ngành, các lĩnh vực kinh tế phát triển cao hơn, đạt được mục tiêu tăng trưởng chung 6,7% trong năm 2017”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu này, theo Phó thủ tướng, cần thực hiện đồng bộ hàng loạt các giải pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp.

Cụ thể, phải tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Cùng với đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo rà soát mục tiêu, kế hoạch theo ngành, lĩnh vực quản lý; trong khi đó, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cần chủ động xây dựng các kịch bản trên cơ sở điều kiện thực tế, năng lực doanh nghiệp để điều chỉnh kế hoạch, khuyến khích các sản phẩm-dịch vụ có nhiều thế mạnh, có thị trường.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Công Thương tiếp tục rà soát lại kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm theo từng tháng, từng quí và cả năm 2017 xem sản phẩm nào, lĩnh vực nào có dư địa tốt để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn, đồng thời phải dự báo tình hình tăng trưởng cho từng ngành, từng sản phẩm.

Đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất cụ thể, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo rà soát, nâng cao hiệu quả, tăng sản lượng các lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là dầu khí, than.

Ngành may mặc, giày da, túi xách cần được ưu tiên hỗ trợ phát triển do đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, có nhiều lợi thế như trình độ lao động, quy mô sản xuất, thị trường cho sản phẩm. Ngành công nghiệp ô tô cần được khuyến khích để tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử cũng cần được ưu tiên hơn.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tái cấu trúc ngành, sản phẩm để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế thấp nhất hậu quả của thiên tai, với mục tiêu đạt phương án tăng trưởng cao nhất như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo.

Ông Dũng đề nghị cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư xây dựng; có chính sách để tháo gỡ khó khăn về vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông (đường cao tốc, cảng biển…), các dự án điện, lọc hóa dầu…

“Trong điều kiện hiện nay, cần có cơ chế huy động hiệu quả hơn các nguồn vốn xã hội, khuyến khích các hình thức hợp tác công-tư trong đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng”, Phó thủ tướng nói.

Một số giải pháp khác cũng được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập là phải nhanh chóng tháo gõ khó khăn, sớm cấp phép, thực hiện đầu tư các dự án lớn; bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Tư Hoàng

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).