|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chính phủ - FDI – SME: Điệu nhảy ba người và bài toán kết nối

08:14 | 05/12/2016
Chia sẻ
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, trong thế kiềng ba chân, Chính phủ với công cụ luật pháp và chính sách đóng vai trò yểm trợ, FDI ở vị trí trung tâm còn SME là các vệ tinh. Điệu nhảy ba người cần đồng điệu và phải có nỗ lực từ cả ba bên. 

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia từng được ví như ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam. Khi Việt Nam kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, bên cạnh kỳ vọng về gia tăng xuất khẩu, tăng thêm nhu cầu việc làm, doanh nghiệp FDI còn được kỳ vọng sẽ giúp lan tỏa công nghệ của các doanh nghiệp này.

chinh phu fdi sme dieu nhay ba nguoi va bai toan ket noi

Nhưng theo chia sẻ trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2016 của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đến nay, khi FDI đã trở thành động lực phát triển quan trọng nhất Việt Nam, thì khu vực trong nước rất èo uột và không liên kết được với nhau; sức lan tỏa về công nghệ lại không đáng kể.

Quan điểm của vị Chủ tịch VCCI là nếu khu vực đầu tư nước ngoài không bám rễ, không cộng sinh vào nền kinh tế Việt Nam thì sẽ rất khó bền vững. Nhưng muốn liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực kinh tế tư nhân trong nước, điều đầu tiên cần thúc đẩy phải triển các doanh nghiệp trong nước, như để doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng được phụ tùng cho doanh nghiệp nước ngoài thì một loạt tiêu chuẩn cần phải đạt được: từ quản trị doanh nghiệp đến sản phẩm cũng như chấp nhận minh bạch thông tin.

Đồng quan điểm với ông Vũ Tiến Lộc, ông Han Dong- Hee, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cho rằng ba yếu tố Chính phủ, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khi kết hợp sẽ tạo ra sức mạnh cho nền kinh tế.

Ông Han cũng đưa ra các biện pháp để thúc đẩy doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp trong nước như Chính phủ đưa ra các chế tài, luật thuế và hải quan để DN nước ngoài được lợi khi mua nhiều sản phẩm của các DN Việt Nam. Đặt mình ở vị trí doanh nghiệp, ông Han nhận định so với việc nhập khẩu nguyên vật liệu ở nước ngoài thì mua sản phẩm trong nước sẽ tốt hơn bởi các giao dịch thương mại với các DN Việt được hoàn thuế dễ dàng hơn. Cùng đó, Chính phủ cũng có thể có động thái, chế tài về luật để các DN trong nước giao dịch với nhau, không phải là xuất khẩu.

Đối với việc giúp các doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế thì quan trọng nhất theo ông Han là nâng cao chất lượng kĩ thuật, năng lực cạnh của doanh nghiệp.

Dù cũng cho rằng việc chuyển giao công nghệ giữa hai bên là rất quan trọng nhưng năng lực phía Việt Nam chưa đáp ứng để chuyển giao là nguyên nhân khiến cho sức lan tỏa về công nghệ hiện chưa đáng kể, ông Han cho hay.

Tuy vậy, theo ý kiến của Chủ tịch VCCI, bản thân FDI vẫn chưa thật sự tích cực trong việc kết nối. Theo ông Lộc, việc góp phần xây dựng và kết nối với doanh nghiệp trong nước nên được coi là trách nhiệm cộng đồng doanh nghiệp FDI nếu NĐTNN muốn phát triển bền vững, cắm rễ sâu vào kinh tế Việt Nam. Ông Lộc nhận định "các doanh nghiệp FDI dù chi phí ban đầu bỏ ra lớn hơn nhưng sau khi bồi dưỡng và xây dựng được đối tác, năng lực cạnh tranh của NĐTNN sẽ cao hơn."

Vai trò kết nối của các Hiệp hội doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Đã có những dự án thử nghiệm đầu tiên được VCCI thực hiện và đang khá thành công, ông Lộc chia sẻ.

VCCI đã ký với Hội đồng kinh doanh Mỹ - Asean để tập hợp các Tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu tại Hoa Kỳ kết hợp với VCCI để có chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu giữa các Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ với DN trong nước. Trước hết là tổ chức hội thảo để nâng cao nhận thức, hệ thống quán trị để DN Việt Nam.

Cùng đó, sàn giao dịch về công nghiệp hỗ trợ đã được xây dựng, đưa lên 600 DN Việt Nam và các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế công bố công khai. Đồng thời, doanh nghiệp FDI công bố tiêu chuẩn để hai bên có thể kết nối.

Diễn đàn doanh nghiệp thường niên năm 2016 với chủ đề Nâng cao vai trò kinh tế tư nhân - Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước vì sẽ phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 5/12/2016.

Nội dung về liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một trong hai chủ đề lớn sẽ được thảo luận tại Diễn đàn.

Thanh Thủy