|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ Đức hướng tới thu hút nguồn nhân lực từ Việt Nam

15:35 | 14/12/2019
Chia sẻ
Đức hướng nhiều hơn tới việc tìm kiếm lao động lành nghề từ châu Á và Nam Mỹ, cụ thể là hợp tác với các nghiệp đoàn kinh tế thực hiện các dự án thí điểm với các nước Việt Nam, Ấn Độ và Brazil.
Chính phủ Đức hướng tới thu hút nguồn nhân lực từ Việt Nam - Ảnh 1.

Nhân viên làm việc trong một nhà máy sản xuất xe Audi ở Đức. (Nguồn: Bloomberg/Getty Images)

Đức đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động và trong thời gian tới, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu sẽ đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực từ Việt Nam, cùng một số nước châu Á và Nam Mỹ khác.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Peter Altmaier phát biểu tại Berlin ngày 13/12 đánh giá thực trạng thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề ở Đức đang thực sự là một trong những thách thức lớn nhất để quốc gia này có thể đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay.

Để giải quyết tình trạng này, Đức sẽ phải thu hút nguồn nhân lực từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU), do nguồn nhân lực là người châu Âu di cư hiện không đáp ứng đủ nhu cầu lao động ở Đức.

Theo ông Altmaier, Đức sẽ hướng nhiều hơn tới việc tìm kiếm lao động lành nghề từ châu Á và Nam Mỹ, cụ thể là hợp tác với các nghiệp đoàn kinh tế thực hiện các dự án thí điểm với các nước Việt Nam, Ấn Độ và Brazil.

Hiện ở Đức, hàng loạt ngành nghề đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, từ y tế, các ngành kỹ thuật, thủ công và xây dựng.

Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), quốc gia này hiện đang thiếu nhiều lao động trong các ngành chăm sóc sức khỏe, logistics, xây dựng và công nghệ thông tin.

Năm 2018, Chính phủ Đức đã đưa ra một chiến lược về lực lượng lao động, tập trung vào 3 nhóm gồm lực lượng trong nước Đức, từ châu Âu và nước thứ 3.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn nhân lực trong nước không thể đảm bảo, xu hướng người châu Âu di cư giảm, Berlin giờ đây phải tập trung vào nhóm nhân lực thứ 3, trong đó tập trung vào khu vực châu Á và Nam Mỹ.

Để thực hiện chiến lược này, Đức trước tiên sẽ tiến hành khảo sát các lĩnh vực, ngành nghề thiếu hụt nghiêm trọng người lao động lành nghề, tìm hiểu nước có thể đáp ứng; tư vấn cho lực lượng lao động và các doanh nghiệp quan tâm, xây dựng cổng Internet "Make it in Germany" bằng nhiều ngôn ngữ; đào tạo ngôn ngữ và kiểm tra tay nghề.

Ngoài ra, Cơ quan Lao động liên bang đóng vai trò hỗ trợ trung gian, thu thập kinh nghiệm qua các dự án thí điểm và xây dựng cơ cấu hợp tác ở các nước.

Chính phủ Đức kỳ vọng luật mới về lao động di cư sẽ thu hút được ít nhất 25.000 người tới Đức mỗi năm.

Dự kiến trong tuần tới, Chính phủ Đức và các tập đoàn kinh tế sẽ tiến hành thảo luận về chủ đề này trong bối cảnh từ ngày 1/3/2020, luật mới về lao động lành nghề di cư sẽ có hiệu lực.

Luật này sẽ nới lỏng quy định cho các lao động lành nghề, theo đó, những người có tay nghề và trình độ tiếng Đức tốt đều có thể tới Đức tìm việc làm (trong 6 tháng) ngay cả khi họ chưa có hợp đồng lao động.


Mạnh Hùng