Chính phủ Anh trợ giá 50% giá trị bữa ăn tại nhà hàng để khuyến khích người dân ra ngoài
Theo The New York Times, màn đài thọ này lên tới 10 bảng Anh (13 USD) cho mỗi người vào các ngày thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư trong tháng 8. Người dân Anh rất thích thú và háo hức với chính sách này, họ coi đây là "món hời" và chấp nhận lời đề nghị "ăn hết để giúp đỡ" này của chính phủ.
"Lượng người xếp hàng còn đông hơn số người trong nhà nữa!", David Williams, đồng sở hữu của Baltic Market, nơi có hàng chục quầy bán rong đồ ăn và thức uống ở Liverpool nói về ngày thứ Tư tuần trước.
Trong ba tuần đầu tiên của chương trình Eat Out to Help Out, 64 triệu bữa ăn, đủ cho gần 67 triệu người dân Anh, đã được tiêu thụ bằng cách giảm giá, tiêu tốn 336 triệu bảng Anh của chính phủ (441 triệu USD).
Khi Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak thông báo về chính sách này vào tháng trước, ông đã mô tả đây là "biện pháp ưu việt " để hỗ trợ 1,8 triệu người đang làm việc trong ngành khách sạn. Trong quí II/2020, sản lượng kinh tế của ngành này đã giảm 87%. “Họ cần sự hỗ trợ của chúng tôi", ông Rishi Sunak nói.
Theo CGA, một công ty tư vấn theo dõi dữ liệu về ăn uống ở Anh, vào ngày đầu tiên thực hiện chương trình hôm 3/8, doanh số bán thực phẩm đã tăng 100% so với ngày thứ Hai trước đó.
“Mọi người, bao gồm cả tôi, đã đánh giá thấp hiệu quả của chính sách này... Bạn sẽ không thể có được một bàn trống trong cả ngày từ thứ hai đến thứ 4 của tháng 8, ở hầu hết các nhà hàng tại Liverpool bây giờ", ông Williams cho biết.
Trước khi Anh bị phong tỏa, cửa hàng Baltic Martket chỉ mở cửa từ thứ Năm đến Chủ nhật. Tuy nhiên, vào đầu tháng 8, nó đã mở cửa thêm vào thứ Tư để tận dụng ưu đãi giảm giá. Và sau hai tuần, chủ sở hữu quyết định mở cửa cả tuần trong suốt tháng.
Ngành nhà hàng rất biết ơn vì sự tìm đến của khách hàng, nhưng họ lo ngại về việc chính sách tạm thời này có thể kích hoạt sự phục hồi bền vững hay không?
"Đề nghị" của chính phủ diễn ra trong bối cảnh thời tiết dễ chịu, đã khuyến khích rất nhiều người dân đến nhà hàng, đặc biệt là khi có thêm nhiều chỗ ngồi ở ngoài trời. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo lắng nếu như thời tiết quá lạnh, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, hay chương trình hỗ trợ sẽ sớm kết thúc thì mọi thứ lại quay lại như ban đầu.
Nền kinh tế Anh đã chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bất kì nền kinh tế nào khác ở châu Âu trong quí II của năm, do phong tỏa kéo dài và phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng.
Để đào thoát khỏi điều này, nước Anh cần người dân quay trở lại quán bar, nhà hàng và quán cà phê với số lượng lớn. Chính phủ dành 500 triệu bảng Anh cho chương trình trợ giá ăn ngoài. Đây là con số mà các nhà kinh tế học cho là không đáng kể so với 190 tỉ bảng mà chính phủ dự định chi để phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Sau nhiều tháng cảnh báo về sự nguy hiểm của các địa điểm công cộng đóng kín, chính phủ hiện phải thuyết phục người dân rằng việc quay trở lại thói quen trước đây là an toàn. Họ phải nhờ đến các nhà kinh tế học hành vi để đưa ra các biện pháp.
Một cuộc khảo sát của CGA cho thấy 40% người sử dụng chương trình giảm giá Eat Out to Help Out cho lần ăn ngoài đầu tiên kể từ khi lệnh cấm vận toàn quốc bắt đầu vào cuối tháng 3. Đây là dấu hiệu tích cực cho những người đã quen ở nhà.
Việc giảm giá cũng khuyến khích các gia đình và khách hàng lớn tuổi ra ngoài, bà Nicholls của UKHospitality cho biết. Hiện chưa có báo cáo về lây nhiễm COVID-19 liên quan đến chương trình này.
Nhưng ngay cả khi khách hàng tiếp tục quay trở lại, các nhà hàng phải đối mặt với rất nhiều bất ổn. Bà Nicholls cho biết một nửa số nhà hàng ở Anh vẫn đang đóng cửa. Các doanh nghiệp mở cửa cũng chỉ kiếm được khoảng 70% doanh thu trước đại dịch.
Chính phủ đã giảm thuế VAT với thực phẩm và đồ uống không cồn, nhưng chính sách này sẽ hết hạn vào tháng 1 tới. Chính phủ hoãn việc thanh toán tiền thuê cho các doanh nghiệp đến cuối tháng 9. Khoản nợ thuê bất động sản tích tụ trong 6 tháng qua, là “vấn đề tồn đọng lớn nhất” mà ngành nhà hàng và khách sạn nói chung phải đối mặt, bà Nicholls nói.
Chương trình Eat Out to Help Out có thể giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng, nhưng các nhà hàng cũng không thể tận dụng tối đa mặt bằng như trước đây, do các qui định giãn cách xã hội, hoặc họ sẽ gặp khó khi thời tiết quá lạnh để ăn bên ngoài.
Một cuộc khảo sát của Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy chỉ 43% người dân cảm thấy thoải mái khi ăn trong nhà.
Baltic Market hiện có sức chứa từ 150 đến 200 người, nhiều nhất là 1/3 công suất trước đây. Họ đang xây dựng các gian hàng có hệ thống sưởi để nhiều người có thể tiếp tục ăn uống bên ngoài trong mùa thu và mùa đông.
“Đây là nỗi lo lớn. Rõ ràng, chúng tôi không sống ở California hay Dubai, chúng tôi sống ở Vương quốc Anh. Vì vậy, không phải lúc nào bạn cũng muốn ăn một bát mì ống ngoài trời", ông Williams nói.