Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang: Việt Nam thành điểm đầu tư hấp dẫn
Cơ hội cho DN Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh họa.
“Dịch chuyển” để tránh thuế
Ngày 23/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ nâng thuế lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (từ ngày 1/10). Với 300 tỷ USD hàng hóa được Mỹ lên kế hoạch đánh thuế từ ngày 1/9 ở mức 10% sẽ bị đánh thuế tăng lên mức 15%.
Trước đó, Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế 5-10% với 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ từ ngày 1/9 và 15/12.
Trước bối cảnh Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng, Ngân hàng UOB đã công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam - Điểm sáng của châu Á.Báo cáo cho thấy, các công ty đa quốc gia đang định hướng di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Theo báo cáo này, thương chiến giữa Mỹ - Trung Quốc gây ra biến động mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại toàn cầu, làm trì trệ hoạt động xuất khẩu. Trung Quốc - công xưởng của thế giới và các quốc gia được tích hợp trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Lo ngại về thuế xuất nhập khẩu cao đã khiến các nhà sản xuất (những bên bị tác động bởi thuế bổ sung) tính đường hoạch định chiến lược bằng cách di dời cơ sở sản xuất sang những địa điểm khác, nhằm giảm thiểu tác động từ thuế quan.
“Việt Nam là quốc gia lý tưởng cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu thế giới.So với các quốc đảo như Philippines và Indonesia, khoảng cách và thời gian di chuyển trong vận tải đường biển tại Việt Nam ngắn hơn, do đó tiết kiệm được chi phí và đẩy nhanh tốc độ tiếp cận thị trường...”, báo cáo chỉ ra lợi thế của Việt Nam.
Ông Suan Teck Kin, Trưởng ban nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB đánh giá, Việt Nam có nhiều thế mạnh như vị trí địa lý gần với Trung Quốc, lực lượng lao động trẻ, mức lương cạnh tranh, đặc quyền thương mại đến từ nhiều phía và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài. Những lợi thế này giúp Việt Nam trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn ở châu Á.
Điểm mạnh khác của Việt Nam là mạng lưới các hiệp định thương mại chặt chẽ. Hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và ba hiệp định khác đang trong quá trình đàm phán.
Điều này giúp nguồn hàng Việt Nam khi xuất khẩu đến các khu vực quan trọng trên thế giới sẽ được miễn thuế, tạo cơ hội cho việc di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Cần sàng lọc dòng vốn FDI vào Việt Nam
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng gia tăng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam vẫn ở mức cao.
Năm 2018, vốn FDI thực hiện tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 19,1 tỷ USD. Trong năm 2019, vốn FDI tại Việt Nam đang trên đà vượt mức 20 tỷ USD với mức tăng trưởng 4,7% nhờ vào việc các doanh nghiệp đa quốc gia chuyển hướng một số hoạt động vận hành để tránh mức thuế cao do xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tạo nên.
Các nguồn chính của FDI có thể sẽ đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và Hồng Kông).
Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng UOB đánh giá, cùng với sự tăng trưởng của dòng vốn FDI, các hoạt động dự án FDI mới đã được triển khai tại Việt Nam. Dựa vào mức tăng trưởng hiện tại, 2019 có khả năng sẽ là năm tốt nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam. Từ đầu năm đến tháng 7/2019, có 2.064 dự án mới cấp phép, cao hơn 25% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo ngành và phát triển doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia), cơ quan chức năng cần rà soát và cắt giảm bớt các ưu đãi đầu tư trong trường hợp dòng vốn FDI tới giữa năm 2019 có dấu hiệu tăng nhanh.
Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn các điều kiện để tiếp nhận làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ trong trường hợp có sự dịch chuyển từ Trung Quốc.
“Chúng ta cần tiếp tục cải thiện nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng logistic nhằm giảm chi phí đầu tư và chi phí lưu thông.Đồng thời, nghiên cứu tận dụng cơ hội cũng như thách thức để cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện nay.
Điểm nghẽn trong dài hạn vẫn là cải thiện chuỗi cung ứng để nâng cao giá trị xuất khẩu, tận dụng được các cơ hội từ FTA cũng như mang lại giá trị cao hơn cho doanh nghiệp trong nước”, ông Thắng khuyến nghị.
Theo ông Thắng, do việc bùng nổ đầu tư rất dễ dẫn đến quá tải về môi trường, cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao tính hiệu lực của các văn bản quy định về môi trường và xã hội của đầu tư FDI vào Việt Nam.
“Mặc dù cơ hội xuất khẩu với Mỹ thuận lợi, nhưng Việt Nam cần chủ động nghiên cứu về cơ hội nhập khẩu để giảm thâm hụt thương mại, tránh xung đột về thương mại.
Chủ động đàm phán giải quyết các bất đồng về thâm hụt thương mại, dự trữ ngoại hối và tỷ giá để tránh việc Mỹ đưa vào danh sách các nước phải giám sát vì thao túng tiền tệ”, ông Thắng đề nghị.
Ông Suan Teck Kin, Trưởng ban nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB đánh giá, Việt Nam có nhiều thế mạnh như vị trí địa lý gần với Trung Quốc, lực lượng lao động trẻ, mức lương cạnh tranh, đặc quyền thương mại đến từ nhiều phía và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài. Những lợi thế này giúp Việt Nam trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn ở châu Á.