|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chiến lược nội dung của Thơ Nguyễn giúp kênh YouTube thu về ít nhất 585 triệu đồng mỗi tháng

17:00 | 11/03/2021
Chia sẻ
Việc tập trung vào đối tượng trẻ em, cộng với nhiều nội dung giật gân khiến Thơ Nguyễn thu hút rất nhiều lượt xem và đăng kí trên kênh của mình.

Làm nội dung YouTube trong vài năm gần đây đã trở thành một trong những "nghề" tại Việt Nam. Sự phổ biến của nền tảng chia sẻ video kéo theo nhiều doanh thu từ quảng cáo. Từ đó, YouTube cũng trích một phần doanh thu từ quảng cáo cho các nhà sản xuất nội dung.

Một trong những YouTuber được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là Thơ Nguyễn. Trên thực tế, kênh của Thơ Nguyễn đã nhận được sự quan tâm của người dùng Việt Nam trong vài năm trở lại. Kênh cũng thu hút nhiều phản hồi trái chiều với những nội dung gây tranh cãi, dù đối tượng người xem chủ yếu hướng tới các em nhỏ.

Mới nhất, việc sử dụng hình ảnh kumathong (búp bê "bùa ngải" ở Thái Lan) trong video của mình đã khiến nữ YouTuber sinh năm 1992 gặp rắc rối. Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cho biết đã làm việc với YouTube và TikTok để gỡ video xuống và mời Thơ Nguyễn lên cơ quan chức năng làm việc.

Theo số liệu từ Social Blade, mỗi tháng kênh YouTube của Thơ Nguyễn có thể đạt mức 585 triệu đồng - 9,4 tỷ đồng. Việt Nam vốn là một thị trường "view rẻ", tức là mức thu nhập của Thơ Nguyễn có thể ở gần mức cận dưới theo ước tính. Tuy nhiên con số gần 600 triệu mỗi tháng vẫn là mức thu nhập lớn.

Chiến lược nội dung của của Thơ Nguyễn để giúp kênh YouTube thu về ít nhất 585 triệu đồng mỗi tháng - Ảnh 1.

Đoạn clip gây tranh cãi thời gian qua của Thơ Nguyễn. (Ảnh: Thơ Nguyễn).

Ngoài ra, việc có nhiều lượt theo dõi cũng khiến tên tuổi của Thơ Nguyễn được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng, và các hợp đồng quảng cáo từ đó cũng nhiều hơn. 

Trong nhiều video, nữ YouTuber thường xuyên khéo léo "khoe" thương hiệu sữa Kun, một sản phẩm của Công ty Cổ phần Sữa quốc tế (IDP). Nhiều sự kiện của sữa Kun cũng mời Thơ Nguyễn tham gia.

Để duy trì mức thu nhập cao, những "nhà sáng tạo nội dung" cũng phải chịu áp lực về lượng view. Một kênh cần phải có những nội dung đặc sắc để thu hút người xem. Do đó, việc sử dụng những nội dung có phần "phản cảm" để câu view ở các nhà sáng tạo nội dung không phải là câu chuyện mới.

Thơ Nguyễn cũng không phải trường hợp YouTuber đầu tiên tại Việt Nam buộc cơ quan chức năng vào cuộc. Hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ Thông tin & Truyền thông đã mạnh tay xử lý 4 kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, giật gân.

Trên thực tế, YouTube Việt Nam cũng là một bộ phận của YouTube quốc tế. Việc các YouTuber quốc tế sử dụng những nội dung gây tranh cãi để "hút khách" cũng từng nhiều lần xuất hiện.

Một ví dụ cụ thể là Jimmy Donaldson với biệt danh Mr. Beast. Trong năm 2020, Donaldson đã kiếm được 24 triệu USD khi tích lũy được tổng cộng 3 tỷ view, theo số liệu từ Forbes. Tuy nhiên những nội dung trên kênh của Mr. Beast nhận được nhiều phản hồi trái chiều, như ở một video anh chàng này tự đóng ngâm mình trong băng.

Trong top 10 kiếm tiền YouTube 2020, cũng có tới 3 kênh mà nhà sáng tạo nội dung hướng tới đối tượng trẻ em. Trong đó có Ryan Kanji, cậu bé kiếm nhiều tiền nhất YouTube 2020 với 29,5 triệu USD. 

Do đó, việc YouTuber Thơ Nguyễn đánh vào đối tượng trẻ em, cộng với những nội dung giật gân đã góp một phần khiến kênh thu hút được nhiều triệu lượt theo dõi. Từ đó, nhà sáng tạo nội dung đã kiếm được nhiều trăm triệu đồng mỗi tháng từ YouTube.

Tiểu Phượng

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.