Chia sẻ bí kíp khởi nghiệp
Bà Thạch Lê Anh làm Chủ nhiệm Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (Vietnam Silion Valley – VSV), Bộ KH&CN. Từ năm 2014 đến nay, VSV đã đầu tư và cố vấn cho 53 nhóm khởi nghiệp sáng tạo (startup). Trong đó, 30 công ty startup đang hoạt động tốt và 16 nhóm đã gọi được vốn vòng tiếp theo.
Không xác định được giá trị sản phẩm
Bà có lời khuyên gì cho các thanh niên, sinh viên khởi nghiệp nói chung và startup?
Không phải tất cả thanh niên, sinh viên đều có khả năng khởi nghiệp và startup, nhưng tất cả họ đều có ước mơ, mong muốn và hoài bão thực hiện nó. Khi các bạn có ước mơ, đặc biệt ước mơ làm thay đổi thế giới hay giải quyết các vấn đề lớn, bức xúc của xã hội hiện nay, hãy thuyết phục người khác cùng tham gia và tập hợp thành nhóm. Trước tiên cần tập hợp những người bạn tham gia, chứ đừng thuyết phục bố mẹ, người thân. Tiếp đó, thuyết phục những người khác bỏ thời gian, hỗ trợ kinh phí cho ý tưởng của bạn, lúc đó hãy khởi nghiệp.
Bà Thạc Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam, khuyên bạn trẻ nên có tư tưởng cầu thị khi khởi nghiệp. |
Những bạn trẻ chưa có ý tưởng khởi nghiệp, khả năng khởi nghiệp ngay, có thể làm gì, thưa bà?
Đối với những bạn trẻ chưa có ý tưởng hoặc mới dừng lại mức thích thú vẫn có thể đi theo, làm cùng để dần dần có một ý tưởng cho bản thân. Trên thế giới có khái niệm “làm chủ” khác với quan niệm thường thấy ở Việt Nam “làm chủ” là sở hữu, có nghĩa bạn làm chủ được ý tưởng của mình, thậm chí ý tưởng của người khác đã biến thành của mình mà bạn thích thú và mong muốn thực hiện nó để giải quyết vấn đề bức xúc trong xã hội, cộng đồng. Đó cũng có thể coi là khởi đầu làm chủ; một cách làm quen chuẩn bị cho việc làm chủ ý tưởng của bản thân, thuyết phục người khác cùng làm.
Theo bà, các bạn trẻ thường mắc lỗi gì trong quá trình khởi nghiệp? VSV có giải pháp gì để hỗ trợ các bạn trẻ?
Nhiều bạn trẻ hay mắc lỗi nhất là không xác định được giá trị của sản phẩm, dịch vụ mà mình đem lại là gì, cho ai. Các bạn hay sa đà vào việc xây dựng sản phẩm mà ít quan tâm đến khách hàng là ai, có thích sản phẩm, dịch vụ và sẵn sàng trả tiền.
VSV đưa ra giải pháp cho vấn đề này bằng cách các nhà đầu tư kiêm cố vấn cùng các nhóm làm việc liên tục trong 4 tháng để xác định mô hình kinh doanh có khả năng gọi được vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Cụ thể, tháng đầu tiên, các bạn đã phải xác định được các mô hình kiếm tiền. Hai tháng tiếp theo thử nghiệm xem mô hình nào được khách hàng chấp nhận và có khả năng nhân rộng ở các thị trường khác nhau. Tháng cuối cùng trong 4 tháng là tiếp xúc các nhà đầu tư, tập cách thuyết phục nhà đầu tư và hiểu thấu đáo bản điều khoản đầu tư để sẵn sàng nhận vốn.
Còn khi nguồn vốn đầu tư có giới hạn?
Đối với nguồn vốn có giới hạn, các bạn không nên máy móc đầu tư tập trung cho ý tưởng, sản phẩm của riêng bản thân. Các bạn có thể xây dựng đội nhóm làm việc, thành lập một công ty bao gồm các ý, sản phẩm của mỗi thành viên và nên có các cố vấn để định hình, trước mắt chọn ra sản phẩm nào đó để gọi vốn đầu tư vòng tiếp theo.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Để tạo được hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên, theo bà, vai trò của tổ chức Đoàn, Hội ra sao?
Muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cần xác định được các thành tố. Chẳng hạn, các nước phát triển nhờ công nghệ như Mỹ, Israel, hệ sinh thái được xác định gồm các thành tố thuộc về chính phủ, các cơ quan chính phủ, trung ương và địa phương; các trường đại học, viện nghiên cứu; trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy kinh doanh; cá nhân hoặc nhóm cá nhân đầu tư thiên thần (Việt Nam đang thiếu) và cao hơn là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Và vai trò rất quan trọng là các doanh nghiệp dẫn dắt. Nếu hiểu hệ sinh thái gồm những thành tố đó, tổ chức Đoàn, Hội có các hoạt động tạo điều kiện cho thanh niên sinh viên tiếp cận các doanh nghiệp, giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Bởi các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn luôn gặp rất nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Các bạn trẻ có thế mạnh về kiến thức, ý tưởng và sức trẻ sẽ đưa ra được giải pháp nhờ công nghệ, sáng tạo.
Trong trường hợp các bạn trẻ vào doanh nghiệp mà thấy thích thú có thể mở doanh nghiệp riêng hoặc đề nghị những doanh nghiệp lớn cho phụ trách một dự án trong đó…đó là cách mà thanh niên sinh viên được tiếp cận môi trường khởi nghiệp tốt nhất.
Thưa bà, để ý tưởng khởi nghiệp khả thi thì cần những yếu tố gì?
Nhà đầu tư chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm thông thường đánh giá ý tưởng khởi nghiệp thông qua người sáng lập chính có phải là người quyết chí, có khả năng lãnh đạo, truyền cảm hứng; xây dựng kế hoạch có tính chiến lược. Ý tưởng hay sản phẩm thử nghiệm có tính đột phá, thu hút cộng đồng, giải quyết được các vấn đề của xã hội... Đồng thời cần xem người khởi nghiệp có cầu thị, mong muốn cùng xây dựng startup vì nhiều bạn trẻ quá yêu sản phẩm của mình mà không muốn thay đổi dù được tư vấn, góp ý.
Tổ chức Đoàn, Hội có trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và đang xây dựng quỹ đầu tư khởi nghiệp cho thanh niên. Từ thực tế hoạt động của VSV, bà có góp ý gì để hoạt động hỗ trợ, đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp được hiệu quả và giúp được nhiều bạn trẻ?
Đối với tổ chức như VSV, đầu tư các nhóm khởi nghiệp giai đoạn đầu thì tiền đầu tư đều là của tư nhân nên họ nhìn thấy và kỳ vọng khoản tiền của mình được tăng giá trị lên nhiều lần. Việc tăng này chủ yếu dựa vào các quỹ đầu tư lớn hơn. Khi các quỹ đầu tư rót vào nhóm ý tưởng startup của VSV người ta định giá gấp 10 lần, 20 lần. Như vậy, quỹ khởi nghiệp có vai trò chọn được ý tưởng startup tốt và tìm được các quỹ lớn hơn để thoái vốn.
Đối với tổ chức của Đoàn, Hội có thể phối kết hợp với các tổ chức để đồng đầu tư, như cách VSV đang phối hợp với các quỹ mới thành lập của các trường đại học, thậm chí quỹ của các công ty lớn. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cố vấn và nên chọn những người chủ doanh nghiệp để bỏ tiền đầu tư, tư vấn sẽ hiệu quả hơn.