Chi tiết 7 dự án 50.000 tỷ đồng nối TP HCM với Long An và miền Tây
Giai đoạn 2021-2026, TP HCM đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều dự án quan trọng trên địa bàn TP, trong đó, có 7 dự án kết nối với Long An và miền Tây. Theo dự kiến, 7 dự án sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với tổng số vốn khoảng 50.000 tỷ đồng, theo Pháp luật TP HCM.
Theo Sở GTVT TP HCM, những dự án kết nối với Long An và miền Tây có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam.
Cụ thể, dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài (đoạn từ đường vành đai 3 đến ranh Long An) có tổng số vốn khoảng 14.000 tỷ đồng. Sở GTVT TP HCM và Long An đã thống nhất sắp tới đường Võ Văn Kiệt sẽ được nghiên cứu nối dài từ TP HCM đến KCN Hải Sơn - Tân Đô (huyện Đức Hòa).
Tiếp theo là dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh tỷnh Long An), tổng số vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Sở GTVT TP đánh giá đây là dự án cần thiết, cấp bách và cần sớm được đầu tư. Bởi đoạn quốc lộ này là tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía tây TP, mật độ xe cao và đang liên tục gia tăng nên thường xuyên ùn tắc.
Ngoài ra, TP HCM và Long An cũng sẽ nghiên cứu mở đường mới phía tây bắc với số vốn 7.500 tỷ đồng. Dự án dài khoảng 19,8 km, có điểm đầu tại quốc lộ 1 (quận Bình Tân) và điểm cuối tại đường vành đai 4 gần thị trấn Hậu Nghĩa (Long An). Dự án này có vai trò chia sẻ lượng xe trên đường tỷnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh) và tỉnh lộ 10.
Một dự án khác kết nối tỉnh Long An là đường song hành quốc lộ 50. Dự án có điểm đầu nối với đường Phạm Hùng hiện hữu và điểm cuối kết nối với quốc lộ 50 (huyện Cần Giuộc, Long An).
Tiếp đến là dự án xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn (từ quốc lộ 1A đến đường vành đai 3, huyện Hóc Môn). Tuyến đường dài 8,5 km với kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng quá tải về lưu lượng phương tiện, gây ách tắc giao thông.
Cũng ở khu vực tây bắc TP còn có dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã ba Giồng - cầu TL9) và xây dựng cầu Lớn với số vốn 3.800 tỷ đồng.
Cuối cùng là dự án xây dựng cầu, đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh, qua quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh). Dự án có vai trò hoàn thiện trục Bắc - Nam để kết nối khu nam với trung tâm TP.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 3 HÐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 18/10, UBND TP HCM đã trình HÐND TP HCM kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương với tổng số vốn là 121.933 tỷ đồng. Trong đó, đối với nguồn vốn từ bội chi ngân sách thành phố là hơn 12.555 tỷ đồng; nguồn vốn cân đối ngân sách thành phố là hơn 109.378 tỷ đồng.
UBND TP HCM kiến nghị HÐND TP HCM thống nhất sử dụng số vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 20.623 tỷ đồng để dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Các dự án trọng tâm được tiếp tục đầu tư giai đoạn 2021-2026 là xây dựng đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với hơn 6.562 tỷ đồng; vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2 với 2.000 tỷ đồng; cải thiện môi trường nước TP HCM lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Ðôi - Kênh Tẻ giai đoạn 2 với 1.100 tỷ đồng; giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với hơn 8.882 tỷ đồng...
UBND TP HCM cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, mô hình huy động vốn cho đầu tư công và vận động các nguồn lực tham gia vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.