Chỉ thị mới nhất của Hà Nội về mở cửa hàng, quán
Tối 28-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị 07 về thực hiện biện pháp phòng, chống COVID-19.
Trong đó nêu rõ các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị tại các quận nội thành, thị trấn, khu đô thị mới trên địa bàn (trừ các cửa hàng kinh doanh ăn uống, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa quả trong các chợ) chỉ được mở cửa sau 9 giờ sáng hằng ngày để hạn chế tiếp xúc, giảm mật độ giao thông tại các khu vực đô thị.
TP Hà Nội cũng cấm toàn bộ hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh bán hàng dưới bất kỳ hình thức nào.
Chỉ thị cũng nêu rõ TP tiếp tục quyết định tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu: khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp (trừ hiệu cắt tóc), karaoke, massage, quán bar, vũ trường, trò chơi điện tử, Internet, nhà hát, rạp chiếu phim.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát - là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp cần thực hiện giãn cách tối thiểu 2 m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1 m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục vận động người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Hà Nội tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.
Thực hiện việc hiếu, hỉ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh.
Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường xây dựng tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.
Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế như hành khách và tài xế phải đeo khẩu trang, kê khai y tế, bố trí xà phòng, dung dịch sát khuẩn để hành khách vệ sinh sát khuẩn tay.
Chỉ thị cũng yêu cầu giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh. Phương án cụ thể theo hướng dẫn của ngành GD&ĐT và ngành y tế.
Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.
Trước đó, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hà Nội chiều 27-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết qua khảo sát thực tế, khung giờ trước 9 giờ các cửa hàng không có doanh thu cao.
Do vậy, việc các cửa hàng không thiết yếu mở cửa sau 9 giờ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
“Nếu làm được điều này, sẽ giảm được mật độ của người tham gia giao thông trong khung giờ từ 6 giờ đến 8 giờ 30. Cụ thể, theo tính toán, có thể giảm được 600.000-800.000 người tham gia giao thông giờ cao điểm” - Chủ tịch TP Hà Nội phân tích.
Ông Chung cho biết Hà Nội dự kiến thực hiện kế hoạch trên đến ngày 31-12-2020, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá lại, nếu hiệu quả sẽ thực hiện tiếp.