|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chỉ số nộp thuế tụt 45 bậc: Cải cách thuế của Việt Nam cần thực chất hơn nữa

07:16 | 07/01/2019
Chia sẻ
Chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 1,25 điểm trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 do WB công bố, song xét về thứ hạng, chỉ số này đã tụt 45 bậc.

Tại Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019), dù chỉ số Nộp thuế (Paying Taxes) của Việt Nam là 62,87 điểm, tăng 1,25 điểm so với báo cáo tại Doing Business 2018, nhưng thực tế chỉ số nộp thuế của Việt Nam tụt xuống vị trí 131/190 nền kinh tế, rơi 45 bậc.

Lý giải sự tụt hạng này, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, một số cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) đã được áp dụng vài năm nay nhưng vẫn chưa được ghi nhận trong Doing Business 2019 như: bỏ Bảng kê hóa đơn mua vào, bán ra kèm theo tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong khi chi tiết thời gian về thuế giá trị gia tăng vẫn tính việc lập bảng kê bằng Excel mất 90 giờ. Hay một số quy định đơn giản hóa thủ tục về tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng chưa được ghi nhận như thu hẹp dần khoảng cách về thời điểm xác định doanh thu tính thuế giữa thuế và kế toán… Do đó, thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế TNDN vẫn cao 132 giờ/tổng số 351 giờ (trong đó thời gian để chuẩn bị bộ dữ liệu kê khai là 122 giờ/tổng số 334 giờ).

chi so nop thue tut 45 bac cai cach thue cua viet nam can thuc chat hon nua
Chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 1,25 điểm theo Doing Business 2019 nhưng xét về thứ hạng lại bị tụt tới 45 bậc

Còn theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH PwC Việt Nam, về chỉ số nộp thuế, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá theo các yếu tố: số lần nộp thuế, thời gian nộp thuế, tổng mức thuế suất trên lợi nhuận và cuối cùng là chỉ số sau kê khai như thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng, thanh kiểm tra thuế. Trong các chỉ số trên, số giờ nộp thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 không đổi, số lần nộp thuế giảm từ 14 lần xuống 10 lần. Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến thứ hạng thay đổi là sự thay đổi chính sách trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng.

“Doanh nghiệp đánh giá được WB đưa ra là một doanh nghiệp (DN) nhỏ không có hoạt động đầu tư, không có hoạt động xuất khẩu trong năm khảo sát. Trước kia, tại Việt Nam, đây là DN có thể được hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng hiện tại, các đơn vị này không thuộc diện được hoàn thuế. Bởi vậy, điểm số riêng phần này của Việt Nam bằng 0”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho biết.

Bên cạnh đó, theo bà Vân, DN được WB lựa chọn là DN nhỏ, không phải DN lớn nên việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Hơn nữa, nhận thức của DN đối với việc “đầu tư” vào khâu kế toán còn hạn chế.

“Chưa nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ theo các DN mà WB giả định chịu bỏ tiền ra để thuê một nhân viên kế toán chính thức làm các công việc hàng ngày tại chính DN hoặc thuê các đại lý công ty kế toán chuyên nghiệp mà thay vào đó thuê những kế toán ngoài làm việc không chuyên nghiệp. Chính việc làm này đang gây mất thời gian và chi phí cho DN”, bà Vân nói.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng cho rằng, xếp hạng về chỉ số nộp thuế của WB không thực sự chuẩn xác và cập nhật các cải cách thuế trong thời gian gần đây của Việt Nam.

chi so nop thue tut 45 bac cai cach thue cua viet nam can thuc chat hon nua
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Theo PGS. Thịnh, Việt Nam hiện có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo quy định, các DN phải tự kê khai thuế, cơ quan thuế chỉ kiểm tra lại, nếu DN kê sai sẽ phải làm lại hoặc nếu cố tình vi phạm, trốn thuế thì sẽ bị phạt.

“Hiện nay, DNNVV năng lực hạch toán, kế toán còn hạn chế. Do đó, cơ quan thuế phải hướng dẫn, giúp đỡ DN kê khai thuế đúng đắn và chính xác nhất để tránh việc bị phạt hay phải làm lại. Từ đó, vừa tiết kiệm thời gian nộp thuế cho DN, đồng thời có thể dễ dàng phát hiện ra việc trốn thuế, tránh thuế”, PGS. Thịnh nêu ý kiến.

PGS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giai đoạn từ 2016 đến nay, việc cải cách thuế, hiện đại thuế của Việt Nam rất mạnh, nhưng những cập nhật đó WB lại không cập nhật. Tuy nhiên, việc bị đánh tụt bậc chỉ số nộp thuế cũng là cơ sở để ngành thuế tự nhìn nhận lại mình để tiếp tục có sự nỗ lực, cố gắng trong thời gian tới.

DN vẫn mất 498 giờ/năm để nộp thuế

Theo Doing Business 2019, tổng số giờ/năm để DN nộp thuế năm 2018 vẫn giữ ở mức không đổi so với năm 2017 là 498 giờ/năm, tương đương 41 ngày làm việc (tính theo giờ hành chính 12 giờ/ngày), tương đương khoảng 1 tháng 10 ngày làm việc giải quyết các thủ tục hành chính trong ngày.

Điều đáng nói, thời gian cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị tài liệu là rất lớn. Số thời gian chuẩn bị tài liệu của doanh nghiệp để thực hiện nộp các nghĩa vụ thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế VAT và bảo hiểm xã hội (BHXH) là 457 giờ/năm, tương ứng với 1 tháng 8 ngày làm việc giờ hành chính.

chi so nop thue tut 45 bac cai cach thue cua viet nam can thuc chat hon nua
TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, kết quả đánh giá của WB cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam không xấu hơn trước, nhưng tiến bộ chưa được như kỳ vọng... Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nhiều lần những gì đang làm, cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

“Mình tụt hậu không phải do không có cải cách mà cải cách của các nước tốt hơn, mạnh mẽ hơn. Các nước xung quanh cũng quyết tâm mà chúng ta chỉ quyết tâm như những năm trước thì không bao giờ đạt được mục tiêu. Quyết tâm của chúng ta phải gấp 3, 4 thậm chí 5 lần so với trước”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Mặc dù ngành thuế giải thích một số cải cách thuế chưa được WB cập nhật, do vậy bước lùi về chỉ số thuế theo công bố của WB chưa chính xác. Tuy nhiên, dù như thế nào thì ngành Thuế vẫn cần nghiêm túc đánh giá lại, coi kết quả điều tra của WB là một áp lực để cải cách mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả hơn nữa, từ Trung ương đến địa phương. Có như vậy, doanh nghiệp, người dân mới bớt thời gian, chi phí cho việc nộp thuế.

“Để cải thiện chỉ số nộp thuế, trong thời gian tới, ngành thuế cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách thể chế để tạo thuận lợi hơn cho DN trong việc tiếp cận chính sách, đồng thời tăng cường thực hiện điện tử hóa các thủ tục hành chính của DN, phấn đấu cung cấp hầu hết các dịch vụ công ở cấp độ 3 và 4. Về phía các DN, cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán, đồng bộ việc ghi sổ kế toán với việc tính toán nghĩa vụ thuế, từ đó mới có thể giảm được thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế và góp phần giảm thời gian nộp thuế”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề xuất./.

Cẩm Tú

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.