|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Chỉ số giá nguyên vật liệu tăng cao nhất trong 10 năm, doanh nghiệp chịu sức ép lớn về chi phí sản xuất'

16:26 | 29/09/2022
Chia sẻ
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tại họp báo công bố báo cáo kinh tế xã hội quý III và 9 tháng 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nói về sức ép lên lạm phát của Việt Nam thời gian tới.

Theo Tổng cục trưởng, giá nguyên vật liệu hiện nay đang ở mức cao, trong khi đó Việt Nam vẫn là nước phải nhập khẩu phần lớn nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất. Trong bối cảnh như vậy, chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt sẽ chịu tác động lớn.

“Chi phí sản xuất cao sẽ đẩy giá thành sản xuất lên, tạo áp lực lên giá hàng hóa tiêu dùng, tác động lên lạm phát của nền kinh tế”, bà nói.

Ngoài ra việc USD đang tăng mạnh càng làm tăng thêm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước.

“Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số giá nhập khẩu cũng tăng rất cao 10,68% so với 9 tháng 2022, là mức tăng cao nhất kể từ 2012”, bà Hương thông tin.

Một điểm đáng lưu ý nữa là trong tổng kim ngạch nhập khẩu, trên 90% là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Vì vậy Tổng cục trưởng đánh giá doanh nghiệp hiện đang chịu sức ép về giá rất lớn đối với chi phí sản xuất.

 

Một yếu tố khác tạo áp lực lên lạm phát thời gian tới là giá xăng dầu. Theo bà Hương, trong thời gian qua giá dầu thế giới có xu hướng giảm, tuy nhiên rủi ro giá mặt hàng này tăng trở lại vẫn hiện hữu do xung đột Nga – Ukraine chưa biết khi nào chấm dứt. Ngoài ra sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng sẽ kéo theo nhu cầu về năng lượng.

Các yếu tố khác có khả năng tác động đến CPI được bà Hương đề cập đến còn có giá lương thực thực phẩm, đồ uống, giá may mặc – vốn thường tăng vào cuối năm và dịp lễ Tết. Bên cạnh đó kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, điều này cũng khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân tăng mạnh và các hoạt động dịch vụ cuối năm cũng tăng cao.

Đồng thời, việc tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm cũng có thể làm tăng giá các mặt hàng vật liệu xây dựng, từ đó ảnh hưởng giá các mặt hàng khác.

 

Cũng tại họp báo, Tổng cục Thống kê cho biết mặt bằng giá trong nước nhìn chung được kiểm soát dù lạm phát trên thế giới tiếp tục tăng cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý III và 9 tháng tăng lần lượt 3,32% và 2,73%. Lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Tổng cục Thống kê chỉ ra những thách thức đối với công tác điều hành chính sách như dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá năng lượng, hàng hóa thế giới tăng cao.

Trong tháng 8, lạm phát của khu vực đồng euro tăng lên mức cao kỷ lục 9,1%, lạm phát tại Mỹ đạt 8,5%, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 5.  

Tại châu Á, CPI tháng 8 của Thái Lan tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc tăng 5,7%; Indonesia tăng 4,7%; Nhật Bản tăng 3%; Trung Quốc tăng 2,5%.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá lý giải Chính phủ đã chủ động ứng phó với lạm phát thông qua các chính sách, giải pháp giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Một số chính sách hiệu quả bao gồm giảm thuế GTGT với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà,…  

Anh Đào