|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chỉ phá sản khi không thể bàn giao Nhà máy đóng tàu Dung Quất cho SBIC

08:31 | 13/12/2016
Chia sẻ
“Phương án phá sản có nhiều khó khăn nhất định và gây ra thiệt hại về tài chính, tuy nhiên nếu các phương án khác không khả thi thì đây là phương án cuối cùng có thể xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”, báo cáo của Bộ Công Thương nêu.

chi pha san khi khong the ban giao nha may dong tau dung quat cho sbic Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý tồn tại của Công ty TNHH MTV tàu thuỷ Dung Quất (DQS) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), trước đây DQS là doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam Vinashin nay là SBIC.

Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị, Thủ tướng cho phép nghiên cứu thực hiện phương án chuyển giao nguyên trạng DQS từ PVN về SBIC theo hình thức tăng giảm vốn giữa 2 doanh nghiệp Nhà nước. Giao PVN phối hợp với SBIC đề xuất phương án cụ thể, bao gồm phương thức chuyển giao, giải pháp xử lý tài chính, cơ chế chính sách đặc thù…

Về phương án cho phá sản nhà máy, Bộ Công Thương cho rằng, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.

Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS. Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.

“Như vậy, phương án phá sản có nhiều khó khăn nhất định và gây ra thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên, nếu các phương án khác không khả thi thì đây là phương án cuối cùng có thể xem xét, trình Thủ tướng quyết định”, văn bản của Bộ Công Thương nêu.

Theo báo cáo tài chính của DQS tại thời điểm bàn giao về PVN ngày 30/6/2010, vốn điều lệ của công ty hơn 3.758 tỷ đồng nhưng lỗ luỹ kế lên tới 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả 7.440 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỷ đồng (70% vay bằng ngoại tệ). DQS được đánh giá là mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.

Sau khi được bàn giao từ Vinashin về PVN đến nay, PVN đã chuyển cho DQS 5.095 tỷ đồng, bao gồm 1.900 tỷ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỷ đồng để thanh toán nợ.

Theo báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2016, vốn điều lệ của DQS là 1.900 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.108 tỷ đồng. Tổng các khoản nợ phải trả vẫn còn hơn 6.893 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 1.227 tỷ đồng.

Công ty còn khoản lỗ luỹ kế hơn 3.674 tỷ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ tháng 1/7/2010 đến ngày 30/6/2016 là 2.438,9 tỷ đồng. DQS đã có lãi trở lại vào năm 2014, 2015 nhưng dự kiến do tình hình khó khăn sẽ quay trở lại lỗ vào năm 2016 khoảng 103,7 tỷ đồng.

Báo cáo cũng chỉ ra các tồn tại của DQS như tài sản cố định của DQS đa số được đầu tư từ các dự án giai đoạn trước thuộc Vinashin chưa được quyết toán nhưng đã tạm tăng đưa vào sử dụng và trích khấu hao vào chi phí sản xuất kinh doanh.

Hiệu suất sử dụng tài sản thấp, chỉ đạt khoảng 20-30%, nhiều trang thiết bị không phù hợp, lạc hậu hoặc không đạt chất lượng để tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh dẫn đến chi phí khấu hao hàng năm của công ty rất lớn.

Tồn tại ba khoản nợ vay lớn tại các tổ chức tín dụng, nợ phí bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay của YMC- Transtech 64,2 tỷ đồng, các khoản trả trước thuộc các gói thầu, hạng mục công trình không tiếp tục đầu tư, bị thu hồi nhà thầu đã thực hiện dở dang 184,4 tỷ đồng….

Nguyễn Thảo