|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chi ngân sách bảo vệ môi trường đạt 20.442 tỉ đồng, ô nhiễm vẫn lo

20:32 | 15/11/2019
Chia sẻ
Mặc dù nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường đã tăng dần qua các năm, từ 9.772 tỉ đồng (năm 2012) đã tăng lên 20.442 tỉ đồng (năm 2019), song tình hình ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn là mối lo.
Chi ngân sách bảo vệ môi trường đạt 20.442 tỉ đồng, ô nhiễm vẫn lo - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy tại Công ty Rạng Đông gây ra sự cố môi trường tại Hà Nội. (Nguồn ảnh: Vietnam+)

Tại hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và đề xuất đề cương chiến lược giai đoạn 2021-2030” diễn ra ngày 15/11, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sau gần 7 năm triển khai chiến lược, mặc dù nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường đã tăng dần qua các năm, song tình hình ô nhiễm và suy thoái môi trường vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Chi ngân sách cho bảo vệ môi trường đạt 1,25%

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết từ khi chiến lược “ra đời” (năm 2012) đến nay, bối cảnh thế giới và trong nước đã có những thay đổi. Trên thế giới, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế tiếp tục là chủ đạo; biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo; ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi…

Trước những thách thức trên, Chính phủ đã đề ra quan điểm không hy sinh môi trường lấy các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, quán triệt đến các cấp quản lý.

Nhờ đó, công tác bảo vệ môi trường đã có một số chuyển biến tích cực như hệ thống chính sách, pháp luật và hệ thống cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường đã từng bước được kiện toàn; nhận thức về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, cộng đồng đã có chuyển biến mạnh mẽ.

Chia sẻ rõ hơn về những kết quả đạt được, tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết sau một thời gian triển khai chiến lược, cơ cấu kinh tế có các bước chuyển biến tích cực, giảm sự phụ thuộc và khai thác khoáng sản. Theo đó, tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng trong GDP đã giảm từ  11,49% (năm 2013) xuống 7,47% (năm 2017).

Kế hoạch xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng đã được ban hành. Nhờ đó, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đạt 92,71%, cao hơn năm 2012 (84,3%).

Ngoài ra, vấn đề về môi trường trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cơ bản cũng đã được giải quyết. Hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn  được thúc đẩy tại một số địa phương, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đã tăng lên 86% so với 82-84% năm 2012…

Đáng chú ý, sau gần 7 năm triển khai chiến lược, chi ngân sách cho bảo vệ môi trường đã tăng dần qua các năm, đạt 1,25%. Theo đó, chi ngân sách cho bảo vệ môi trường từ 9.772 tỷ đồng (năm 2012) đã tăng lên 20.442 tỷ đồng trong năm 2019. Nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường cũng đã tăng hơn 4 lần trong giai đoạn từ 2012-2017.

Chi ngân sách bảo vệ môi trường đạt 20.442 tỉ đồng, ô nhiễm vẫn lo - Ảnh 2.

các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Hồng Nhung/Vietnam+)

Vẫn còn nhiều “sạn”

Bên cạnh kết quả đã đạt được, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình ô nhiễm và suy thoái môi trường trên cả nước vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng.

Trong khi đó, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn chậm so với yêu cầu; ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, các lưu vực sông, làng nghề chưa được kiểm soát.

Quản lý chất thải rắn vẫn còn nhiều yếu kém, chưa được phân loại tại nguồn, chủ yếu chôn lấp. Ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản chưa được ngăn chặn. Việc phục hồi môi trường sau khi khai thác khoáng sản còn chưa tốt, chưa đạt kết quả như mong muốn.

Đáng chú ý, vẫn còn nhiều sự cố về môi trường xảy ra như Formosa, Rạng Đông, nước sạch Sông Đà,... trong khi công tác ứng phó còn lúng túng, chưa chủ động.

Chất lượng môi trường không khí ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xấu đi đáng lo ngại, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của nhân dân. Trong khi hệ thống quan trắc, số liệu còn yếu kém. Thông tin cảnh báo chưa kịp thời...

Chi ngân sách bảo vệ môi trường đạt 20.442 tỉ đồng, ô nhiễm vẫn lo - Ảnh 3.

Tình hình ô nhiễm và suy thoái môi trường vẫn đáng lo. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cần các giải pháp đột phá

Từ thực tế nêu trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu, các chuyên gia tham dự hội thảo tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến cho các nhận định, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020 đối với việc thực hiện các mục tiêu; các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường.

Song song với đó, ông Nhân cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến đối với các nội dung được đề xuất trong Đề cương Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030; đề xuất các vấn đề mới cần đưa vào Chiến lược; tầm nhìn, mục tiêu; các giải pháp đột phá; các vấn đề vấn đề quan trọng cần đề cập trong Chiến lược.

“Trước tình hình phát triển mới trên thế giới và của đất nước, chuẩn bị bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, việc nhìn nhận, đánh giá lại tình hình thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia là rất quan trọng và cần thiết. Từ đó đề ra những mục tiêu, định hướng cụ thể cho công tác bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời kỳ mới, giai đoạn 2021-2030,” ông Nhân nhấn mạnh.

Trình bày về dự thảo Đề cương Chiến lược giai đoạn 2021-2030, ông Nguyễn Trung Thắng cho biết mục tiêu tổng quát của Chiến lược trong giai đoạn tới sẽ nhằm ngăn chặn được xu hướng ô nhiễm, suy thoái môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường và giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc.

Chiến lược cũng hướng tới ngăn chặn sự suy giảm của đa dạng sinh học; nâng cao năng lực, từng bước chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế cacbon thấp, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đề ra tầm nhìn 2045, đó là môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, tương đương với các nước phát triển trong khu vực; bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của nhân dân; đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên được gìn giữ, phục hồi; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế cacbon thấp trở thành xu hướng chủ đạo.

Góp ý từ góc độ chuyên gia, ông Axel Neubert, Trưởng đại diện Qũy Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đang tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, điều kiện sống cũng đang được cải thiện, tuy nhiên cũng đang gặp phải những chi phí và thách thức về môi trường. Vì thế vấn đề về đa dạng sinh học, rác thải và quản lý rác thải ở Việt Nam cần được cải thiện.

"Nếu chú trọng tới môi trường chúng ta sẽ hướng đến phát triển bền vững," ông Axel Neubert nhấn manh.

Hồng Nhung - Hùng Võ