Chênh lệch các khâu chiếm 40% giá thành thịt lợn
Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, giá thịt lợn sau khi đi qua các khâu từ từ trang trại chăn nuôi đến thương lái, công ty liên kết, lò mổ và phân phối, bán lẻ, giá đã bị đội thêm 40%…
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia Vụ Thị trường trong nước cho hay, việc làm rõ thịt lợn đội giá ở khâu nào rất quan trọng. Ở địa vị người mua thịt, mức giá bán lẻ như vậy đương nhiên là đắt. Với góc độ người chăn nuôi, số tiền tổng thu được từ bán một con lợn nặng 100kg là 9 - 9,5 triệu đồng hiện không thể coi là lãi lớn do phải bỏ tiền mua lợn giống từ 2,2 - 2,6 triệu đồng/con chưa kể mất khoảng 4,5 tháng đầu tư thức ăn, thuốc tiêm phòng, kiểm dịch, tiền điện, nước, công chăm sóc đến khi con lợn được 1 tạ. So với khâu bán lẻ, số tiền lãi từ nuôi lợn không cao.
Theo vị chuyên gia này, để đưa lợn hơi từ cổng trại ra tới thị trường phải chi phí rất nhiều khoản. Điển hình như chi phí vận chuyển trung bình 1.500 đồng/kg tùy vào khoảng cách, chi phí bốc lợn lên xe 1.000 đồng/kg, chi phí hao hụt trung bình 4.000 đồng/kg… Tổng chi phí bình quân từ trại xuất chuồng ra đến thị trường mất từ 5.000-10.000 đồng/kg.
Về lợi nhuận, chỉ cần tính nhanh, với một con lợn 100 kg khi mổ thịt trung bình thu được khoảng 65 kg thịt (lợn siêu nạc có thể được đến 70 - 75 kg), 4 kg xương sườn non, 3-5kg xương cục, 6 kg thủ, 3 kg chân giò (chỉ tính chân trước), 10 kg lòng… Với giá bán 95 nghìn đồng/kg thịt hơi, giá thịt lợn bán lẻ tính bình quân các loại 160 nghìn đồng/kg, thủ 80 nghìn đồng/kg, chân giò 90 nghìn đồng/kg, lòng 60 nghìn đồng/kg, xương sườn và xương cục tính chung 50 nghìn đồng/kg, sau khi trừ tiền gốc phải trả, riêng phần chênh lệch đầu ra - đầu vào tính theo số lượng kg thịt, xương… thu được sau khi bán lẻ các phần trên sẽ là 1,8 - 2 triệu đồng. Đây là tính theo giá thịt bán ở chợ tại các địa phương.
Còn nếu bán ở siêu thị, giá thịt sẽ còn cộng thêm nhiều chi phí và 10% thuế VAT. Còn các chợ lẻ ở các thành phố lớn, chợ gần khu dân cư có thu nhập cao ở Hà Nội, TPHCM, giá thịt nạc vai với mức dao động 160-180.000 đồng/kg, sườn non bỏ cục có giá 180-200.000 đồng/kg, mỡ 100.000 đồng/kg… “Mức chênh lệch giá bán nguyên con lợn và thịt lợn bán lẻ vào tay các trung gian vận chuyển và tiểu thương còn cao hơn rất nhiều lần. Có thể lên tới hơn 2 triệu đồng/con lợn 100kg”, vị chuyên gia ước tính.
Theo thông tin từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), con đường lợn thịt từ chuồng trại đến chợ, siêu thị chia làm hai khâu. Với khâu thu mua, giết mổ và bán buôn (tính cho 1 con lợn 100kg hơi, giá 73.000 đồng/kg). Dân buôn mua tại cửa chuồng hết 7,3 triệu đồng/con. Tiền vận chuyển, giết mổ và kiểm dịch hết 230.000 đồng/con. Tổng chi phí hết 7,53 triệu đồng/con. Giết mổ xong, khối lượng thịt móc hàm thu được là 75kg. Giá bán buôn lợn móc hàm cho người bán lẻ là 110.000 đồng/kg, tính ra thu được 8,25 triệu đồng/con. Trừ đi khoản chi phí 7,53 triệu đồng, khâu này dân buôn và giết mổ lãi 720.000 đồng (tương đương tăng 10% so với tiền mua lợn).
Với khâu từ mua móc hàm đến bán lẻ tại chợ. Ở khâu này, 1 con lợn móc hàm 75kg, tiểu thương mua về sẽ pha lóc thành các loại thịt. Sau khi bán hết con lợn móc hàm 75kg, dân bán lẻ thu về gần 11 triệu đồng. Trừ đi giá gốc hơn 8 triệu đồng, ở khâu này dân buôn thu gần 2,5 triệu đồng (tương đương tăng 33,3% so với tiền mua móc hàm và tăng 37,6% so với mua cửa chuồng).
Tại cuộc họp với các cơ quan quản lý hồi tháng 4 vừa qua, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P cho rằng, khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lí, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp…
Cũng theo tìm hiểu của Tiền Phong, với mô hình chăn nuôi tập trung hiện nay, nhiều hộ nuôi gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P ở các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, người nông dân sẽ phải bỏ tiền đầu tư chuồng trại, nhân công, trả tiền điện, nước, kiểm dịch sau khi nhận cám, con giống và chăm sóc, nuôi lợn theo quy trình, kỹ thuật của công ty thuê. Mỗi tạ heo hơi xuất chuồng, hộ nông dân thu được 350 đến 400 ngàn đồng.
Bí giải bài toán nguồn cung
Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh câu chuyện giá thịt lợn tăng cao hồi cách đây ít ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, giá thịt lợn tăng cao kéo dài ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thậm chí ảnh hưởng cả đến việc cân đối nền kinh tế.
Theo ông Hải, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã có đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp chăn nuôi có thị phần lớn việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh gian lận thương mại. Kết quả sơ bộ cho thấy, không có doanh nghiệp chăn nuôi nào được xác định là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường do có thị phần từ 30% trở lên tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, có cơ sở để xác định Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P là doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể, là doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt thị trường. Hiện Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P có thị phần lớn nhất, chiếm đến gần 20% thị phần lợn toàn quốc (19,71%), gấp hơn 15 lần thị phần của Công ty Dabaco đứng thứ ba (chiếm 1,34 %), gấp 6 lần so với doanh nghiệp đứng thứ hai là Công ty CJ của Hàn Quốc (chiếm 3,39%)…
“Vừa qua, khi làm việc với Đoàn kiểm tra, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P cung cấp thông tin: giá bán lợn hơi trung bình của công ty năm 2018 là 43.400 đồng/kg, năm 2019 là 45.800 đồng/kg và hai tháng đầu năm 2020 là 77.000 đồng/kg. Giai đoạn tăng mạnh nhất là giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Trong khi đó biến động chi phí đầu vào sản xuất của doanh nghiệp này không lớn”, ông Hải cho hay.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đối chiếu các chi phí cho thấy việc tăng giá bán lợn hơi của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P là chưa hợp lý.
Mỗi công đoạn hưởng chi phí từ 10-15%. Đặc biệt, khâu bán lẻ được hưởng mức lãi cao hơn với mức ước tính 16% chi phí kéo theo giá thịt lợn trên thị trường luôn ở mức cao.