Châu Âu đối mặt nguy cơ lạm phát tăng
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gấp ba lần trong năm nay trong khi nhu cầu cao điểm vào mùa Đông còn chưa bắt đầu. Công ty Equinor (Na Uy), một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu, cho biết giá năng lượng cao có thể kéo dài đến năm 2022 và có thể tăng đột biến.
Ông Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng về Khu vực đồng euro (Eurozone) tại tổ chức tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics (Anh), cảnh báo nguy cơ lạm phát tăng tại Eurozone do giá khí đốt tăng.
Các nguyên nhân khiến giá khí đốt tăng là dự trữ năng lượng thấp của châu Âu, xuất khẩu khí đốt của bang Texas giảm do bão ở Mỹ và nhu cầu gia tăng khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Các chính sách năng lượng để chống biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân.
Chỉ số giá tiêu dùng năng lượng của Eurozone đã tăng 15,4% trong tháng Tám, lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1996, khiến tỷ lệ lạm phát của khu vực này tăng lên mức 3%.
Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Tuy nhiên, các quan chức ECB và các nhà kinh tế cho biết họ mong đợi sự gia tăng này chỉ là tạm thời do các yếu tố mang tính thời điểm như gián đoạn chuỗi cung ứng khi các nước phát triển phục hồi sau đại dịch.
Mặc dù vậy, giá năng lượng tăng kéo dài có thể khiến các dự báo lạm phát sai lệch. Hóa đơn năng lượng cao cũng sẽ ảnh hưởng tới ngân sách các gia đình và niềm tin của người tiêu dùng, đe dọa sự phục hồi kinh tế.
Ông Nick Andrews, nhà phân tích tại tập đoàn nghiên cứu đầu tư Gavekal (Hong Kong, Trung Quốc), cho biết đối với các gia đình giá năng lượng tăng cũng giống như việc tăng thuế, vì vậy họ sẽ giảm chi tiêu, làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế ở châu Âu, vốn được thúc đẩy phần lớn nhờ sự phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng.
Ông Peter Vanden Houte, nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn tài chính ING (Hà Lan), cho biết năng lượng chiếm gần 10% chi tiêu tiêu dùng ở châu Âu. Vì vậy mức tăng giá năng lượng hàng năm ở mức hai con số đang có tác động đáng kể.
Tác động của giá năng lượng cao đã vượt ra ngoài EU. Trong tháng Tám, giá năng lượng hàng năm đã tăng hơn 60% ở Na Uy, tăng 20% ở Canada và Mỹ, và ghi nhận mức tăng hai con số ở Hàn Quốc, Chile và Mexico.
Điều này đẩy giá dầu tăng và thực phẩm có khả năng là mặt hàng tiếp theo tăng giá, khiến các chính phủ bắt đầu hành động. Chính phủ Italy đã chi khoảng 1,2 tỷ euro (1,4 tỷ USD) để trợ cấp hóa đơn tiền điện cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, giá giấy phép carbon, một trọng tâm trong kế hoạch cắt giảm lượng khí thải của EU, đã tăng gần gấp đôi trong năm nay. Theo bà Jessica Hinds, chuyên gia về kinh tế châu Âu tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh), điều này cho thấy hóa đơn năng lượng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Nhà kinh tế học Silvia Ardagna tại ngân hàng Barclays ước tính giá năng lượng tăng có thể đẩy lạm phát khu vực Eurozone lên mức đỉnh 4,3% vào tháng 11/2021.
Có câu hỏi đặt ra rằng, liệu tình trạng hiện nay có dẫn đến gia tăng lạm phát lõi (tỷ lệ lạm phát không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) và là cơ sở để ECB xem xét khi quyết định thay đổi chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ông Vistesen cho rằng nếu chỉ xét đến giá năng lượng tăng cao thì điều đó sẽ không thúc đẩy ECB hành động.